Chín ép thành…chín rụng
Cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, làng bóng đá thế giới liên tục được chứng kiến sự thống trị của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha - Real Madrid trên khắp châu Âu. 3 chức vô địch Champions League trong vòng 6 năm từ 1998 đến 2002 như một câu trả lời chính xác nhất cho những thành công từ "Kền kền trắng".
Cũng trong khoảng thời gian đó, Los Blancos trình làng một thế hệ cầu thủ "cây nhà lá vườn" đầy thành công trong đội hình như thủ thành Iker Casillas, tiền đạo Raul Gonzalez, tiền vệ Guti…
Với hệ thống tuyển trạch viên khổng lồ, không khó khi lò đạo Castilla chiêu nạp được những cầu thủ trẻ đầy triển vọng.
Những tài năng trẻ bung nở rất sớm đóng góp không nhỏ vào thành công của Los Blancos. Chủ tịch Real - Florentino Perez bắt đầu thích thú với những kế hoạch phát triển đội bóng trong tương lai.
Kể từ lúc mang về cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thời bấy giờ là Zinedine Zidane năm 2001, ngài Perez ấp ủ một dự định lớn lao dành cho lò đào tạo trẻ đội bóng Castilla.
Ông đề ra chính sách "Zidanes y Pavones" với hàm nghĩa mỗi năm mua một siêu sao đồng thời đưa lên đội hình chính 1 cầu thủ trẻ. Trung vệ Pavon bắt đầu trở thành hình mẫu thí điểm cho một kế hoạch vĩ đại được ngài chủ tịch Perez kỳ vọng duy trì sự thống trị cho Real Madrid.
Tuy nhiên, thế giới bóng đá vẫn luôn tồn tại những điều không nằm trong quy luật, đi ra ngoài sự toan tính. Về mặt khách quan nhìn nhận, chính sách "Zidanes y Pavones" của ngài Chủ tịch đáng kính không hề sai lầm. Chỉ có điều, cách Perez thực hiện đã khiến cho mọi sự kỳ vọng tan biến như bong bóng xà phòng.
Việc mua hàng loạt những ngôi sao một cách thừa mứa phần nào đẩy Real đến bờ vực khủng hoảng sau chức vô địch C1 năm 2002. Đã có một Luis Figo chơi bên phía cánh phải, Chủ tịch Perez vẫn cứ nhất quyết mang về một David Beckham cùng vị trí. Chưa kể đến việc mua Ronaldo, Owen trong khi đội bóng đã có Raul, Morientes.
Hệ quả từ việc mua bán vô tội vạ đó đã khiến cho các tài năng trẻ thuộc lò đào tạo Castilla chịu rất nhiều sức ép. Họ được đẩy lên đội hình 1 nhanh chóng trong khi bản thân chưa kịp trưởng thành, chưa có nhiều cơ hội chinh chiến.
Việc cố sống cố chết ép chín bằng được những cầu thủ trẻ khiến cho đội hình Real ngày càng bị phân hóa rõ rệt. Các ngôi sao dư thừa dự bị cho nhau nhưng những vị trí còn thiếu sót không được bổ sung một cách hợp lý.
Chính vì vậy, những cầu thủ như Minambles, Ruben, Portillo, Raul Bravo hay chính Pavon đều thất bại trong việc khẳng định chính mình tại sân Santiago Bernabeu.
Raul trở thành ngọn cờ đầu dẫn dắt Real thành công.
Trong khi đó, lò đào tạo La Masia bên phía đại kình địch Barca đang dần dần cho ra những siêu sao đủ sức giúp Blaugrana soán ngôi Real cũng như thống trị châu Âu suốt 1 thập kỷ sau thời hoàng kim của Real.
Cho đến sau này, Pavon được người ta nhớ đến không phải bởi tài năng trong màu áo Los Blancos. Anh nổi tiếng vì trở thành một nhân vật đại diện điển hình cho chính sách "Zidanes y Pavones" cũng như sự xuống cấp trầm trọng của lò đào tạo Castilla sau thời Raul, Casillas, Guti.
Sự trưởng thành của Messi, Xavi, Iniesta hay Sergio Busquets trở thành một cái tát đau điếng giáng thẳng giáng thẳng tới sự kỳ vọng của ngài Chủ tịch Perez vào lò đào tạo Castilla.
Vác chuông đi đánh xứ người
Nếu nói đến việc ngài chủ tịch Florentino Perez quá chăm chút cho dải ngân hà Galaticos 1.0 hoàn toàn không đúng. Đúng hơn, lò đào tạo Castilla chẳng thiếu nhân tài.
Bằng chứng chính là việc cùng thời điểm Pavon, Portillo, Raul Bravo thất bại trong việc khẳng định bản thân mình, Castilla vẫn đang dung nạp những Juan Mata, Javi Garcia, Juanfran, Alvaro Arbeloa sau này làm mưa làm gió tại châu Âu.
Rõ ràng, nhìn những cái tên đình đám đến thời điểm hiện tại thống trị châu Âu, chúng ta sẽ thấy được dấu ấn của lò đào tạo Castilla. Tuy nhiên, chính vì ngài Perez phá vỡ cấu trúc đội hình Real khiến cho các tài năng trẻ kiểu "cây nhà lá vườn" không có đất diễn. Họ buộc phải chấm dứt tình yêu thuở nhỏ để tìm kiếm những cơ hội mới cứu vãn sự nghiệp mình.
Nhiều cầu thủ trẻ của lò đào tạo Castilla phải rời khỏi đội bóng để tìm cơ hội chơi bóng.
Juan Mata trở thành một ví dụ điển hình trong việc dứt áo rời khỏi Real. Anh đến Valencia để khẳng định bản thân mình rồi được Chelsea mua về. Tại sân Stamford Bridge, Mata cùng The Blues vô địch Champions League năm 2012 .
Javi Garcia đến với Benfica rồi Man City để làm mưa làm gió tại Premier League. Juanfran tìm đến kình địch cùng thành phố với Real là Atletico. Anh cũng kịp có cho mình một danh hiệu La Liga. Thậm chí, chính Atletico từng suýt giành Champions League trong tay Real.
Alvaro Arbeloa được Liverpool mang về rồi đào tạo thành tài trước khi về Real để tìm lại sự thống trị tại châu Âu. Hay mới đây nhất, trường hợp Dani Carvajal cũng phải sang Leverkusen trước khi trở về thành trụ cột Real thời điểm hiện tại.
Juan Mata trong màu áo Real nhưng anh không có cơ hội thể hiện nhiều.
Nhìn ra châu Âu, Alvaro Morata một tài năng từng trưởng thành ở lò Castilla khẳng định mình tại Juventus và giờ là Chelsea. Jose Callejon cũng phải sang Napoli mới có cơ hội làm mưa làm gió tại Serie A. Soldado hay Negredo cũng đi theo những chiều hướng riêng của bản thân mình sau ngày rời Castilla.
Chừng đó cái tên đủ cho thấy tầm vóc lớn lao mà lò đào tạo Castilla đem lại cho châu Âu. Nếu nhìn một cách khách quan, ngoài Xavi, Iniesta, Messi, Busquets, lò đào tạo La Masia cũng chẳng cho ra được nhiều cái tên đình đám như lò đào tạo Castilla. Chỉ có điều, những tài năng tại Castilla luôn phải "vác chuông đi đánh xứ người".
Lò đào tạo Castilla của Real và La Masia của Barca luôn cho ra lò nhiều tài năng nổi tiếng.
Áp lực từ đội hình Real Madrid không cho phép họ có nhiều cơ hội thi đấu trong màu áo Los Blancos. Họ buộc phải sang một số CLB khác để tích lũy cơ hội cũng như tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho mình.
Vì vậy, như một sự nghịch lý đối với lò đào tạo Castilla mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra. Tài năng vô số nhưng muốn thành siêu sao thì phải đi lang bạt.