Cách đây không lâu, ông Thôi, sống ở Huilong Quan, một khu dân cư ngoại ô ở phía bắc Bắc Kinh, nói rằng chiếc TV trong gia đình xuất hiện hiện tượng lạ. Vào nửa đêm, nó sẽ tự động bật lên sau đó phát ra tiếng cười "ha ha ha". Chưa hết, khi tiếng cười kết thúc, sẽ có nhiều tiếng hét không rõ nguồn gốc xuất hiện và chúng có thể kéo dài hơn một giờ. Thậm chí TV sẽ tự động chuyển kênh và điều chỉnh âm lượng. Điều này khiến ông bị ám ảnh mỗi ngày và buộc phải rút điện TV trước khi đi ngủ.
Ban đầu, ông gọi điện đến nhà sản xuất để yêu cầu bảo hành thiết bị. Khi nhân viên kỹ thuật đến, anh ta đã cố hết sức những không phát hiện vấn đề gì bất thường nên không thể làm gì để cải thiện tình hình.
Chiếc TV bị "ám".
May mắn là nhà sản xuất TV rất có trách nhiệm. Họ đã đổi cho ông Thôi một chiếc TV dự phòng, đồng thời mang chiếc TV "bị ma ám" về nhà máy để sửa chữa. Tuy nhiên, sau khi TV mới được chuyển đến nhà ông Thôi, tình trạng cũ lại xuất hiện.
Không có cách nào khác, ông buộc phải liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ mạng và truyền hình là Bắc Kinh TV và China Unicom, bởi nghi ngờ đây có thể là lỗi liên quan tới kết nối mạng hoặc sự cố khi thiết lập TV. Nhân viên China Unicom đã tới kiểm tra, không phát hiện vấn đề gì liên quan tới hộp giải mã tín hiệu. Dây kết nối mới cũng được thay thế nhằm loại bỏ các yếu tố nhiễu. Sau khi thay đổi một số linh kiện, chiếc TV được đặt ở hành lang. Không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi chuyển nó về chỗ cũ tại phòng khách, hiện tượng trên lại xuất hiện.
Tức giận, khó chịu và hoảng sợ, ông Thôi rút điện của tất cả các thiết bị có thể tạo ra sóng vô tuyến trong nhà như bộ định tuyến, tủ lạnh, lò vi sóng… Nhưng chiếc TV vẫn bị "ma ám".
Chiếc TV bị ma ám
Chiếc TV có thật sự bị "ám", hay đây chỉ là một câu chuyện tâm linh được thêu dệt dựa trên một vấn đề mà khoa học chưa thể lý giải. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không thoải mái gì khi ở nhà vào ban đêm cùng với một chiếc TV không thể kiểm soát và thường xuyên phát ra những âm thanh lạ.
Một số người am hiểu công nghệ đã xuất hiện tại nhà ông Thôi, mang theo đẩy đủ thiết bị ghi hình. Đáng ngạc nhiên là dù đang quay video, sự việc kỳ lạ vẫn xảy ra.
TV tự điều chỉnh âm lượng.
Tuy nhiên, có một giả thuyết được đặt ra và được cho là gần đúng nhất để giải thích hiện tượng phía sau chiếc TV ma ám này. Kẻ vô hình ẩn sâu bên trong chiếc TV ở nhà của người đàn ông này được xác định là một phần mềm nhỏ.
Nhiều người chắc chắn đã gặp phải tình huống như vậy: Khi bạn muốn bật điều hòa nhưng không thể tìm thấy chiếc điều khiển ở đâu hoặc khi muốn giảm âm lượng TV nhưng bị nhầm lẫn khi có quá nhiều điều khiển từ xa ở trong phòng. Với sự tiến bộ của công nghệ, giờ tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, thậm chí cả quạt cũng có thể tích hợp điều khiển từ xa.
Đó cũng là lúc khái niệm ứng dụng điều khiển đa năng xuất hiện trên thị trường. Thông qua việc tải xuống một phần mềm nhỏ trên điện thoại di động, người dùng có thể dùng smartphone để điều khiển từ xa cho TV, điều hòa không khí và các thiết bị khác.
Ở Trung Quốc, phần mềm điều khiển từ xa phổ biến nhất là ứng dụng trên điện thoại di động có tên Mi Remote, do Xiaomi phát triển. Về cơ bản, nó có thể hỗ trợ người dùng điều khiển nhiều thiết bị điện tử có hỗ trợ tính năng điều khiển từ xa kết nối hồng ngoại. Sau khi tải xuống điện thoại, người dùng có thể kết nối ứng dụng với TV, chọn thương hiệu thiết bị rồi bắt đầu các thao tác điều chỉnh.
Dòng thông báo trên ứng dụng cho thấy nó có thể sử dụng để "chơi khăm" người khác.
Tuy nhiên, nếu để ý một dòng thông báo trên ứng dụng, người dùng sẽ phát hiện ra có thể sử dụng phần mềm này để "chơi khăm" bạn bè thông qua một số trò đùa nhỏ. Phiên bản tiếng Anh trên Google Play cũng thể hiện thông tin này.
Không chỉ ứng dụng nói trên, rất nhiều phần mềm hỗ trợ điều khiển thiết bị từ xa cũng có các tính năng tương tự, dễ dàng tải về trên các chợ ứng dụng. Mặc dù ý định ban đầu của các nhà phát triển phần mềm là cung cấp sự tiện lợi cho mọi người, nhưng một số người lại thích sử dụng nó để… làm điều ác.
Và tất nhiên, một vấn đề khác của các phần mềm này là có thể dễ dàng bị bẻ khóa. Bởi công nghệ được sử dụng là phương pháp mà hóa kỹ thuật số, thông qua việc phát sóng ánh sáng nhờ diode hồng ngoại. Sóng ánh sáng chuyển đổi tín hiệu hồng ngoại nhận được thành tín hiệu điện, qua bộ phận thu hồng ngoại của thiết bị và giải mã nó để chuyển thành tín hiệu cần xử lý. Các câu lệnh có thể được chèn vào để thiết bị thu nhận và thực hiện các thao tác khác nhau, như tự bật, chuyển kênh hay tăng giảm âm lượng. Hacker có thể sử dụng phần mềm này để kiểm soát TV, bộ giải mã và các thiết bị khác.
Đây cũng được cho là cách thức được sử dụng để "ám" chiếc TV của nhà ông Thôi.
Người đàn ông này đã phải sống trong những ngày hoang mang, lo lắng.
Điểm mấu chốt là tia hồng ngoại không thể xuyên qua tường, nhưng nó có thể đi qua kính. Chiếc TV của nhà ông Thôi được đặt gần cửa sổ. Kẻ xấu có khả năng đã tác động và điều khiển từ xa chiếc TV thông qua cửa sổ. Điều này giải thích tại sao TV chỉ bị "ma ám" khi đặt trong phòng khách. Vì vậy, cách dễ nhất để "đuổi ma" là thay đổi vị trí đặt TV, khiến nó cách xa cửa sổ.
Tuy nhiên, những dự đoán trên có thể không chính xác 100%. Nhưng sự việc cũng dấy lên một hồi chuông cảnh báo rằng một số người có thể lợi dụng công nghệ hay các phần mềm phổ thông để gây tác động xấu hay quấy phá cuộc sống của người khác. Và rõ ràng, đây là các hành vi vi phạm pháp luật cẩn phải xử lý nghiêm minh.
Tham khảo ZOL