Cú đấm của số phận
Mỗi một khách hàng của tôi luôn ẩn chứa một sự thú vị. Không phải họ có tiền mua xe sang, mà chính con người họ là một câu chuyện mang ý nghĩa vô cùng lớn. Như chuyện khách hàng Trần Đăng Ninh, một doanh nhân thành công tại Điện Biên, kể vào một buổi sáng thứ 7 tại phòng trưng bày của Rolls-Royce.
Ông Trần Đăng Ninh, sinh năm 1969, hiện là Chủ tịch Cty Hoàng Anh, một công ty khá uy tín tại Điện Biên, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông trở thành khách hàng của tôi từ năm 2015. Ông có một sở thích đặc biệt là luôn muốn cầm vô lăng.
Sinh ra tại quê lúa Thái Bình, cũng như bao thanh niên khác với khát vọng làm giàu, chàng thanh niên 17 tuổi Trần Đăng Ninh đã được gia đình thu xếp cho một suất đi xuất khẩu lao động tại Đức. Làm công nhân tại nước ngoài nếu chịu khó và cần kiệm cũng có thể tích luỹ được một chút, tuy không nhiều nhưng dù sao cũng hơn hẳn làm nghề nông.
Sau 3 năm, nước Đức thống nhất, cậu thanh niên ấy lại quay trở về quê hương với một số tiền. Và từ đây, công cuộc làm giàu của cậu bắt đầu.
Khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh vận tải, nhưng số tiền tích cóp đó không thể đủ cho một khát vọng lớn. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, cậu bị cụt vốn và cuối cùng trắng tay. Lần thất bại đầu đời khiến Ninh có lúc định tìm tới cái chết do suy nghĩ bồng bột. Thế nhưng, không cam chịu với hoàn cảnh, cậu quyết định lên vùng biên để làm lại.
Điện Biên là nơi cậu chọn cũng chỉ vì một lý do đơn giản: Ở đó có một số họ hàng và người quen. Ninh chán nản với việc kinh doanh và tìm cách đi học để mong sớm thành công chức nhà nước. Học được ít lâu thì gặp được bạn gái (thành vợ sau này). Không hiểu sao, bản năng kinh doanh trong Ninh vẫn mãnh liệt.
Chỉ sau một thời gian ngắn ở Điện Biên, với sự giúp đỡ của một ông bác họ, làm đủ mọi thứ, cậu có một số vốn kha khá, còn nhiều hơn cả số tiền cậu có được trong mấy năm làm công nhân ở Đức. Tình yêu Ninh với bạn gái cũng lớn dần theo năm tháng.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ êm đẹp và cái kết có hậu là chắc chắn, thế nhưng, đến khi hai người lên kế hoạch làm đám cưới thì một biến cố cuộc đời xuất hiện. Ninh bị truy tố vì tội che giấu tội phạm.
Người cậu che giấu chính là ông bác họ của mình, liên quan đến đường dây mua bán ma tuý nổi tiếng một thời của Vũ Xuân Trường. Cái án 2 hai năm tù và bị bắt sau khi cưới vợ được 7 ngày như cú đấm của số phận giáng vào đời chàng trai trẻ. Từ đó, cuộc đời Ninh có một ngã rẽ mới đầy cay đắng và tủi nhục.
Doanh nhân Trần Đăng Ninh.
Ông Ninh nói: “Tôi không thể khai ra ông bác của mình được. Khi tôi lên Điện Biên chính ông đã cưu mang và giúp đỡ. Tôi nhận thức về mặt pháp luật là mình sai, nhưng về mặt tình người không thể làm khác. Tuy nhiên, cho dù tôi có khai hay không thì cuối cùng ông ấy cũng bị bắt”.
Tôi cứ nghĩ, mình sẽ được nghe câu chuyện của ngục tù, nhưng không, ông Ninh không đề cập tới điều đó. Điều duy nhất, tôi biết được, khi ra tù ông chỉ nặng 43 kg. Ông nói với tôi về cuộc sống của vợ khi bản thân tù tội.
Điện Biên hồi đó còn nghèo, một việc bé xảy ra cũng khiến cả vùng biết chuyện. Vợ ông lúc đó cũng chỉ là một cô gái trẻ, vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán, mới bắt đầu biết đến cuộc sống hôn nhân.
Ở với chồng được đúng một tuần thì đã chịu cảnh thăm nuôi, cô độc. Hàng ngày, người đàn bà ấy phải đối mặt với những lời xì xào, sự xa lánh, thậm chí những sự xua đuổi của người khác trước bản án của chồng. Nhắc đến tao đoạn này, đôi mắt ông Ninh rưng rưng. Người phụ nữ ấy vẫn chờ đợi và dắt chiếc xe đạp cà tàng ra đón Ninh sau khi mãn hạn tù.
Những ngày tù đã khiến tâm tính Ninh thay đổi. Rồi sự mặc cảm nặng nề trước những con mắt soi mói của hàng xóm, trước sự nghi ngại của bạn bè, người thân đã đẩy Ninh thành người cực kỳ khó chịu. Có lúc đang cười đấy, nhưng chỉ một ánh mắt thôi cũng có thể làm Ninh nổi xung tức giận. Thậm chí, chỉ một câu nói vô tình của ai đó thôi cũng có thể biến Ninh thành thú dữ.
Tất cả những điều đó đổ dồn hết lên đầu vợ ông. Vợ Ninh đã chịu đựng, chăm sóc, động viên một người chồng như vậy trong suốt quãng thời gian ông mới ra tù. Ông kể với tôi nghẹn ngào: “Có hôm cô ấy bảo tôi rằng, giá như anh còn ở trong đấy để em còn được yêu anh như ngày xưa?”.
Thế rồi, Ninh bỏ nhà xuống Hà Nội. Một người bạn thân của Ninh đã nhận anh vào làm lái xe du lịch. Ông nhận một chiếc xe con và hàng ngày chở khách đi đây đi đó.
Ông bảo chính nhờ việc tiếp xúc với khách hàng ngày như vậy, nói chuyện với họ, mà quyết tâm làm lại cuộc đời mãnh liệt hơn. Dù vậy, công việc tài xế cũng chỉ tạm thời. Ninh quay về Điện Biên để thực hiện ý chí của mình.
Nhiều doanh nhân thành đạt xem Rolls-Royce như đứa con của mình.
“Tín ngưỡng của tôi là sự tử tế”
Tái hòa nhập quả không dễ dàng, vẫn những ánh mắt cũ, vẫn những câu nói bâng quơ, những sự nghi ngờ. Ông không được chấp nhận trong chính cái cộng đồng người Kinh quanh mình. Tuy thế, lần này ông không bỏ cuộc.
“Tôi lên núi làm thuê. Tôi bắt quen và chơi với người dân tộc thiểu số. Họ thật thà lắm, chẳng quan tâm đến việc gì cả. Mình tốt với họ thì họ tốt với mình thôi”.
Vậy đấy, sự tái hoà nhập cộng đồng của những người mãn hạn tù thật là gian nan và cay đắng. Không ai cho họ cơ hội, không ai nhìn họ như nhìn một người bình thường, họ phải tự đứng lên trong tủi nhục, trong cô độc. Nếu không có ý chí sắt đá, cuộc đời sẽ còn nhiều bể dâu.
Sau một thời gian làm thuê, Ninh thôi thúc muốn mình làm chủ. Hồi đó, anh không thể làm chủ doanh nghiệp vì vẫn chưa được xoá án. Ninh rủ thêm mấy bạn người thiểu số chung nhau thành lập hợp tác xã khai thác đá. Hợp tác xã ấy ngày một ăn nên làm ra.
Cái ngày được xoá án tích cũng đến. Mô hình hợp tác xã đã được chuyển sang doanh nghiệp tư nhân và đặt theo tên con trai Hoàng Anh.
Bây giờ, Hoàng Anh đã lớn. Con ông có đứa đi học đại học ở nước ngoài, còn công ty đã thành một doanh nghiệp uy tín ở Điện Biên. Ông đùa với tôi: “Tôi có 3 đứa con, 2 đứa con đẻ và 1 đứa con nuôi. Đứa con nuôi là Rolls-Royce đấy!”.
Giờ thành danh, nhưng ông Ninh vẫn nhớ ơn một khách hàng ngày xưa thường trả tiền trước và tiền thừa cho ông lúc còn cơ hàn. “Bây giờ, tôi biết anh ấy đang rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi đã đi tìm nhưng chưa gặp được để hàm ơn”, ông Ninh thổ lộ.
Tôi ngồi với ông cả buổi sáng, nghe ông tâm sự về cuộc đời mình. Hỏi ông biết bao chuyện về cuộc sống, về thú vui, về nhân sinh quan.
Và tôi vui khi biết rằng, ông rung động khi cảm nhận thấy mùa thu, khi nghe một bài hát, hay đứng trước một vẻ đẹp. Tôi hỏi ông có đi Bà Chúa Kho không, ông cười và hỏi lại: “Có phải Minh muốn hỏi về tín ngưỡng của tôi? Tín ngưỡng của tôi là sự tử tế!”.
Sự tử tế không hiếm ở trên cuộc đời này, nhưng để làm một người được coi tử tế thật không hề dễ dàng. Hôm nay dưới bánh xe Rolls-Royce rụng đầy lá của mùa thu, nhưng hôm qua nó là mồ hôi và nước mắt!
"Mất mát lớn nhất là mất niềm tin vào cuộc sống và mình không bước tiếp được nữa. Thế nhưng, sau bao nhiêu thất bại, những biến cố của cuộc sống, tôi vẫn có niềm tin tràn trề vào cuộc đời, vào các mối quan hệ, dù mình bị phản bội rất nhiều".
"Ngày xưa 5 anh em tôi ở quê rất nghèo. Trải cái chiếu ra, có rổ rau khoai, mấy anh em tranh nhau ăn. Sau này, tôi lập nghiệp xa, các em đều đi theo. Tôi mơ ước đến lúc nghỉ hưu, mấy anh em lại về quê để quây quần như hồi nhỏ. Lúc đó không chỉ có 5 anh em mà còn có dâu rể, cháu chắt…"
Doanh nhân Trần Đăng Ninh
Sau mấy năm bán Rolls-Royce, tôi phát hiện ra nhiều điều thật thú vị về khách hàng của mình. Điều mà nếu chỉ nhìn, nghe và đọc về họ trên báo thì không bao giờ có thể cảm nhận được! Vậy là, tôi quyết định sẽ tìm cơ hội trò chuyện với họ để ghi lại những điều thú vị đó.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh