Dạo gần đây, dân mạng truyền tay nhau những hình ảnh về một ngôi nhà có tên "Phủ thờ họ Lâm" nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, ngay giữa trung tâm TP. Cần Thơ. Ngôi nhà mang phong cách cũ nằm nép mình bên dòng người qua lại. Đây chính là nhà thờ "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn.
Ngôi nhà cũ thờ "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn.
Lâm Thị Phấn - "Người đẹp Tây Đô", tiểu thư con nhà quyền quý nổi danh một thời
Trong làng tình báo Việt Nam, có lẽ rất nhiều người không thể nào quên được cái tên Lâm Thị Phấn - nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết đình đám "Người đẹp Tây Đô". Và không lâu sau đó, vinh dự này được nối dài khi tác phẩm được nhào nặn qua bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Cung Bắc, hóa thân thành tác phẩm điện ảnh đắt giá cùng tên. Nhiều người trong chúng ta đều biết đến "Người đẹp Tây Đô" Bạch Cúc do diễn viên Việt Trinh thủ vai trong bộ phim này.
Lâm Thị Phấn không chỉ là một biểu tượng của sự thông minh và xinh đẹp, mà còn là niềm tự hào của nền tình báo nước nhà nhờ vào khả năng lẻn vào tận cốt lõi của kẻ thù và ghi dấu ấn bằng những thành tích không thể phai nhòa.
Bà Phấn tên khai sinh là Lâm Thị Elise (1918 - 2010), người gốc Châu Thành, nay là quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, là con cả của đại điền chủ nổi tiếng ngày ấy là Lâm Văn Phận. Bà Phấn là chị cả, dưới bà còn có các em Lâm Văn Phát, Lâm Thị Phết và Lâm Văn Phiên.
Không chỉ giàu có, ông Phận cũng thuộc tầng lớp trí thức khi ông nắm giữ vị trí Hiệu trưởng trường Taberd Cần Thơ (nay là trường Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ). Sau 1945, ông Phận tham gia kháng chiến và giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ.
Cũng giống như tên gọi, bà Phấn được hấp thụ tinh hoa của nền giáo dục phương Tây, hơn hẳn với nhiều cô gái thời đó.
Chính vì thế, bà Phấn được tiếp cận tri thức từ sớm, bà cũng bộc lộ tư chất hơn người. Bà sở hữu tấm bằng tú tài của trường Taberd năm 15 tuổi và có tư tưởng hiện đại, ủng hộ phụ nữ vươn lên mọi mặt trận.
Không chỉ có tấm bằng đắt giá không phải người phụ nữ nào cũng có được thời ấy, bà còn có gương mặt xinh đẹp, khả ái, cao gần 1m70, khí chất thanh lịch nên bà Phấn ngoài là Hoa khôi trường Taberd Cần Thơ, bà còn được mệnh danh là "Người đẹp Tây Đô" lúc bấy giờ.
Ngã rẽ cuộc đời
Cuộc đời bà Phấn cũng nhiều ngã rẽ, bắt đầu từ lúc bà gả cho người chồng giàu có sánh ngang Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy vào năm 17 tuổi. Cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu" mới rộ, Bá hộ Phan Văn Bì nổi tiếng giàu có là "Vua lúa gạo Nam kỳ" bấy giờ mang lễ vật đến hỏi cưới bà cho con trai đích tôn.
Mặc dù chồng mình là người giàu có nhưng lại ít học, chỉ ham chơi bời, lêu lổng. Đây là nguồn cơn khiến bà và chồng ngày càng rạn nứt tình cảm. Tủi nhục hơn nữa khi trái tim mới lớn về làm dâu nhà chồng đầy "sình bùn" với những trò lố bịch với bọn lính Pháp.
Có lẽ lúc trong tim bà "bừng nắng hạ" là khi đi thu tô thuế cho nhà chồng, tiếp xúc với người nông dân. Bà Phấn thoát ly gia đình năm 1944, cũng đi theo con đường của cha mình. Thấm thía những khổ cực của người phụ nữ thời bấy giờ, với tư duy tiến bộ của mình, bà đã nung nấu một con đường mới tốt đẹp hơn cho những "người cùng khổ".
Chỉ một thời gian sau, bà xây dựng Hội phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, giữ chức Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và được kết nạp Đảng năm 1950.
Vừa có tri thức lại có ngoại hình xinh đẹp, bà Phấn trở về Cần Thơ xây dựng lực lượng tình báo miền Tây. Năng nổ hoạt động, sau này "Người đẹp Tây Đô" lẻn vào hoạt động trong lòng địch và được bầu làm tổ trưởng lãnh đạo đội ngũ điệp viên miền Tây với bí danh Thanh Phong. Bà gây ấn tượng tới mức, quân Pháp gọi bà là "Thần vệ nữ phương Đông".
Bà Phấn có công rất lớn khi cảm hóa và thuyết phục người em trai của mình là tướng Lâm Văn Phát tài giỏi nhưng lại đứng về phía địch. Tướng Phát cũng chính là nguyên mẫu của tướng Lâm trong Ván bài lật ngửa - một trong những tiểu thuyết vang dội của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý.
Một lòng phục vụ đất nước, chẳng ai ngờ được trong quá trình làm tình báo, bà Phấn gặp ông Trần Hiến - phiên dịch của người Pháp lúc bấy giờ. Bằng hiểu biết, tài năng và sự xinh đẹp của mình, ông Hiến đã bị bà cảm hóa. Hai người dần đồng cảm rồi nên duyên, cùng hoạt động cách mạng. Sau bốn năm được kết nạp Đảng, bà Phấn cùng chồng ra Hà Nội theo Hiệp định Giơ - ne - vơ.
Nơi đây chứng kiến sự kiện trọng đại, khi bà Phấn đón nhận thiên chức làm mẹ bằng việc hạ sinh Trần Hồng Hạnh - cô con gái dễ thương và đáng yêu. Mặc dù bận rộn với hạnh phúc gia đình, bà Phấn vẫn không ngừng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, khắc sâu thêm những chiến công oanh liệt vào lịch sử.
Bà còn thể hiện tài năng và sức ảnh hưởng đặc biệt của mình qua việc tiếp cận và cảm hóa được ngay cả những đối tượng khó nhất, bao gồm cả hai vị tướng danh tiếng hoạt động theo địch. Bà tiếp tục học lên lấy bằng Đại học Kinh tế rồi sang Liên Xô học thêm ngành tình báo.
8 năm sau, tức năm 1962, bà Phấn trở lại miền Nam hoạt động trong đội ngũ tình báo cấp cao nhất chính quyền Sài Gòn. Cũng từ đây, bà đã đạt được nhiều chiến công vang dội.
Thời gian đưa đẩy, bà Phấn về hưu năm 1984. Cũng lúc ấy, bà kết hôn với người chồng thứ ba tên Lê Văn Thích ở cái dốc bên kia của cuộc đời. Năm 2010, bà Phấn qua đời và hưởng thọ 92 tuổi. Cuộc đời của bà là nguồn cảm hứng cho nền văn học nghệ thuật, cũng là nguyên mẫu của bộ phim Người đẹp Tây Đô nổi tiếng có diễn viên Việt Trinh thủ vai.
Thời gian cứ thế trôi đi, nhiều người biết đến "Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh nhưng cũng không ai quên được nữ tình báo xinh đẹp, giỏi giang, chói sáng lý tưởng cách mạng "Bạch Cúc" Lâm Thị Phấn. Bà cũng là tấm gương sáng, hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam luôn kiên định đi theo lý tưởng của mình, tân hóa tư tưởng phụ nữ và giải phóng đất nước hướng về hòa bình.