Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội

Trần Hòa |

Không phải đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ, cũng không phải đền Hai Bà ở huyện Mê Linh.

Không phải đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ, cũng không phải đền Hai Bà ở huyện Mê Linh. Ngay giữa lòng Thủ đô, tại quận Hai Bà Trưng có đến hai nơi thờ chị em nữ tướng gắn với những huyền tích lạ kỳ.

Nếu như đền Hai Bà ở huyện Mê Linh gắn với quê hương hai nữ tướng, đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ gắn việc chọn đất dựng cờ khởi nghĩa, khao quân và tắm gội trước khi xưng Vương, hay cũng chính là nơi Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh, thì hai nơi thờ tự ở quận Hai Bà Trưng lại gắn với sự tích hóa thánh sau khi hai nữ tướng đã thác “hóa thành tượng đá ngồi trên dòng nước”.

Từ đền Đồng Nhân

Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện).

Tương truyền, Hai Bà Trưng là chị em sinh đôi, chị tên Trưng Trắc, em tên Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy học nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường.

Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Hán đô hộ. Lúc bấy giờ, Thái thú nhà Hán là Tô Định tàn bạo, giết hại Thi Sách. Hai Bà phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Tô Định lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, tự xưng làm vua.

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 1.

Tượng thờ Hai Bà Trưng trong tư thế giơ tay hiệu triệu dân chúng.

Về sau, nhà Hán sai tướng Mã Viện sang đàn áp, Hai Bà chống không nổi phải rút về giữ đất Cẩm Khê, sau cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn. Sau đó, Hai Bà hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bến bãi Đồng Nhân, đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng bà và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông.

Hiện nay, đền Đồng Nhân tọa lạc tại phố Hương Viên (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một trong những ngôi đền thiêng được xây dựng vào đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142), tại khu vực bãi sông của làng Đồng Nhân.

Sau đó, do vùng đất này bị xói lở nên dân làng đã di dời ngôi đền tới thôn Hương Viên. Đền là trung tâm của quần thể di tích: Chùa Viên Minh, đình thờ thần Cao Sơn đại vương, Quốc vương Thiên tử, thần Đô Hồ đại vương và các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông.

Đền được xây trên khuôn viên rộng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trước cổng có một hồ bán nguyệt, qua một con đường là tới khoảng sân rộng cùng nghi môn gồm 4 trụ. Bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa, bên phải là phương đình kiểu hai tầng tám mái. Đi vào trong là nhà tiền tế 7 gian với tượng hai con voi bằng gỗ sơn đen, được gắn đôi ngà thật. Đây là 2 voi tượng trưng cho voi của Hai Bà cầm quân ra trận.

Nhà tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương, bên trong đặt ngai thờ và bức khảm hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Gian hậu cung đặt tượng Hai Bà được đặt trên bệ đá cao. Tượng bằng đất luyện, tư thế ngồi.

Bà Trưng Trắc mặc áo vàng, bà Trưng Nhị mặc áo đỏ, đầu đội mũ phù dung, tượng to hơn người thật, tay giơ cao trước mặt như đang hiệu triệu dân chúng. Hai bên là tượng các nữ tướng đã theo Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, rửa nhục nước, trả thù nhà. Tòa bái đường được đặt ngai thờ và tấm khảm hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đánh giặc.

Trong đền Đồng Nhân hiện còn giữ được nhiều đồ tế khí sơn son thếp vàng có giá trị như: Bát bửu, hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ 19. Đền Đồng Nhân còn có tấm bia “Trưng Vương sự tích bi ký” đặt ở sân trước bái đường, do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 với nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc “Nam bang tiết liệt”.

Để tri ân công đức của Hai Bà Trưng, hàng năm người dân đều tổ chức lễ hội từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Hai. Mồng 6 là chính hội tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc.

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 2.

Phù điêu tái hiện cảnh Hai Bà Trưng xung trận.

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 3.

Miếu Đồng Nhân được dựng sau khi người dân Đồng Nhân rước hai cỗ tượng vào năm Đại Định thứ 3 (1142).

Đến miếu Hai Bà

Nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng có một nơi vốn được gọi là làng Đồng Nhân Châu. Làng này nay là khu vực nằm dọc đường Bạch Đằng. Theo giải thích của cố nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, thì đây chính là gốc của làng Đồng Nhân xưa.

Theo đó, khu vực Đồng Nhân ở phường Đồng Nhân hiện nay vốn có gốc từ làng Đồng Nhân Châu ở phường Bạch Đằng, trước đây chỉ được coi là một xóm của Đồng Nhân Châu với tên gọi xóm Chùa.

Xóm Chùa này chỉ mới hình thành từ thế kỷ 19. Còn làng Đồng Nhân Châu ở ngoài bờ sông thì có từ xa xưa. Thư tịch cũ đã ghi tên Đồng Nhân từ thế kỷ 12 với sự kiện lập đền thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc là Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Sách “Trưng Vương lưỡng vị sự tích” (số A.837 của Viện Hán Nôm) ghi: “Sau khi Hai Bà bị mất tích trên sông Cái, thì hóa thành tượng đá ngồi trên dòng nước, thường vọt ra khí sáng, trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân (Đồng Nhân Châu). Đêm đêm tỏa sáng thấu trời, dân sở tại kinh dị và thuyền bè không dám đến gần. Một đêm, phường chài đậu bên bến nghe văng vẳng tiếng nói: “Thuyền các ngươi ô uế, nên lui xuống hạ lưu”.

Nhà vua lúc đó là Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Dân bãi Đồng Nhân lấy vải đỏ đón các bà vào thì thấy tượng đá cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Vua bèn giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng đền thờ hai cỗ tượng các bà ở bên sông. Việc này là vào năm Đại Định thứ 3 (tức 1142)”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần Hà Nội cũng ghi chép tương tự. Như vậy, muộn nhất là vào năm 1142 bên bờ sông Cái đã có làng Đồng Nhân với tên gọi là Đồng Nhân Châu - nơi đó có miếu thờ Hai Bà. Nói cách khác, miếu thờ Hai Bà Trưng hiện diện ở phường Bạch Đằng hiện nay đã có từ thế kỷ 12.

Và thực tế, đền Hai Bà thuộc phường Đồng Nhân được xây dựng sau này - vào thời nhà Nguyễn. Tấm bia do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 chính là đáp án chính xác nhất.

Bài văn sau khi khẳng định sự nghiệp và công đức Hai Bà, có một đoạn nói về lai lịch đền, rằng: “Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ Hai Bà ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ Miếu, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, được ban cấp hơn 6 mẫu để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y”.

Như thế có nghĩa đền Hai Bà ở phường Đồng Nhân ngày nay là hậu thân của đền Hai Bà ở phường Bạch Đằng. Chỗ này vốn là đất thuộc Võ Miếu nằm trên địa phận thôn Hương Viên.

Vì sông lở, đền gốc ngoài Đồng Nhân Châu mới dời vào đây và được cấp cho hơn 6 mẫu đất. Thế là dân ngoài bãi một số dời nhà theo đền mới, rồi lập đình và chùa ở hai bên đền, trở thành xóm Chùa. Về thời điểm dời đền thì sách “Trưng Vương lưỡng vị sự tích” có nêu đó là năm Gia Long thứ 18 (1819).

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 5.

Miếu Đồng Nhân nhìn ra sông Hồng - nơi Hai Bà Trưng hiển linh.

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 6.

Miếu Đồng Nhân tại đường Bạch Đằng.

Dân sống hai nơi vẫn chung một làng

Đến nay, theo mạch nguồn lịch sử lập miếu, dựng đền thì người dân Đồng Nhân ngoài bãi hay trong xóm Chùa vẫn là một cộng đồng chung một gốc gác. Tuy do sự phân chia hành chính riêng biệt theo địa lý nhưng mọi phong tục vẫn tuân thủ như nhau.

Hằng năm, họ cùng tổ chức tế lễ Thành hoàng ở đình, mở hội ở đền. Khi có mở hội thì diễn ra ở cả hai nơi, như rước kiệu từ đền ra miếu rồi từ miếu đi thuyền ra giữa sông lấy nước về tắm tượng và dâng cúng.

Chuyện ít biết về miếu thờ Hai Bà Trưng giữa Hà Nội- Ảnh 7.

Tấm bia 'Trưng Vương sự tích bi ký' do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840.

Miếu Hai Bà Trưng nằm sát đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên một khu đất khá hẹp. Miếu gồm có tam quan, trụ biểu và miếu thờ hình chuôi vồ. Đáng chú ý trên các trụ biểu đắp nổi 4 chữ Hán “Hùng liệt tinh linh” (Hồn thiêng anh hùng lẫm liệt).

Tại miếu Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như hương án, long ngai, long đình với nhiều trang trí hoa văn đẹp; một quả chuông lớn “Hồng Khánh tự chung”, đạo sắc phong năm Chính Hòa (1680)…

Ngoài ra, trên tường miếu thờ còn 4 câu đối với nội dung ghi nhớ công tích Hai Bà Trưng, trong đó có câu: Thế thượng anh linh khám viết mẫu/ Nhân gian cảm ứng thị như sinh (Sự sáng suốt linh thiêng đáng để người đời gọi là Mẹ/ Sự linh ứng trong nhân dân khiến tưởng như vẫn còn sống mãi).

Sở dĩ ở Hà Nội, nhiều người biết tới đền Đồng Nhân hơn là biết tới miếu Đồng Nhân bởi rất nhiều lý do. Thứ nhất, đền Đồng Nhân ở phố Hương Viên khá rộng, tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000m2, lại có địa thế trung tâm, nơi quần cư của người Hà Nội. Còn miếu Đồng Nhân lại khá khiêm tốn, trên tổng diện tích chỉ khoảng 400m2, lại ở nơi xa khuất ngoài bãi sông Hồng.

Ông Nguyễn Hoành Dũng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, miếu thờ Hai Bà Trưng dù nhỏ bé, song lại chứa đựng giá trị lịch sử to lớn, thể hiện tấm lòng của người dân kinh thành xưa đối với hai nữ vương anh hùng dân tộc. Với các giá trị đó, ngôi miếu được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1993.

Tấm bia đá “Trưng Vương sự tích bi ký” tại đền Đồng Nhân do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840. Bia có chiều cao 165cm, rộng 111cm, dày 20cm. Trán bia chạm rồng chầu mặt trời, diềm bia chạm hoa cúc, dây leo. Bia khắc chữ một mặt gồm 432 chữ Hán, lời văn hàm súc, câu chữ trau chuốt. Đây là tấm bia quý, được đánh giá là một trong 2 bài văn bia nổi tiếng và hay nhất của Tiến sĩ Vũ Tông Phan - cùng với “Ngọc Sơn Đế quân từ ký”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại