Có lẽ nhiều người không còn nhớ rằng trong thập niên 80, Mikhail Gorbachev cũng đã đến thăm Việt Nam, tuy lúc đó ông ta chưa phải là Tổng thống của Liên Xô mà mới là ủy viên Bộ Chính trị. Và ngay sau khi miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị Mỹ ném bom, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin đã đến Hà Nội.
Và cũng rất ít người hôm nay còn nhớ rằng, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, có một nhân vật cao cấp đã đến thăm Việt Nam — đó là ông Kliment Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, nhân vật quyền lực thứ 3 ở Liên Xô thời đó.
Tuy nhiên, danh sách những người Nga nổi tiếng đến thăm Việt Nam không chỉ kết thúc ở đây. Nhà sử học Moskva Maxim Syunnerberg cho biết: "Trong số những người Nga từng đến Việt Nam, có một nhân vật cao cấp mà vào thời điểm đó là Hoàng tử thừa kế ngôi vua. Ông tên là Nikolai Romanov, người mà ba năm sau chuyến đi Việt Nam đã trở thành Nga hoàng Nikolai II. Đó chính là vị Hoàng đế cuối cùng của nước Nga, bị lật đổ năm 1917, cùng với việc đó Đế quốc Nga cũng bị sụp đổ".
Theo truyền thống Hoàng gia Nga, chương trình giáo dục dành cho người thừa kế ngai vàng phải kết thúc bằng chuyến đi dài ngày thăm các nước trên thế giới. Thông thường, đó là chuyến đi để giới thiệu Hoàng đế sẽ đăng quang trong tương lai với các triều đình châu Âu. Tuy nhiên, Nga Hoàng Alexander III đã phá vỡ truyền thống này và gửi Hoàng tử kế vị đi du lịch các nước ở phương Đông.
Chuyến đi bắt đầu từ tháng 10/1890, khi đó Hoàng tử Nikolai mới 23 tuổi. Dành cho chuyến du lịch này đã lập ra một phi đội tàu gồm ba chiếc tuần dương hạm. Trên đường từ Xiêm sang Trung Quốc, cuối tháng 3/1891, Hoàng tử Nikolai và đoàn tùy tùng của ông đã ở Sài Gòn bốn ngày.
Viên thư ký cho Hoàng tử kế vị là bá tước Ukhtomsky đã ghi chép sự kiện này và công bố vào năm 1895. Bá tước Nga đã ghi chép những gì về chuyến đi đó?
Ông Ukhtomsky lưu ý người đọc rằng, trong nhiều thế kỷ, các nhà thuộc địa người Âu cố gắng thâm nhập vào khu vực Nam Kỳ, và rốt cuộc người Pháp đã thành công.
Bá tước Ukhtomsky viết: "Người Việt Nam không chịu khuất phục và mất tự do độc lập ngay lập tức. Vì vậy họ chiến đấu chống Pháp để bảo vệ từng tấc đất của mình. Người Việt Nam đã dũng cảm tấn công và thậm chí đã đánh nhau với người Pháp, thể hiện quyết tâm không chịu bị chinh phục".
Trong những ngày ở Sài Gòn, các vị khách quý từ nước Nga nghỉ chân ở dinh Tổng đốc, bá tước Ukhtomsky viết. Tòa nhà này được xây dựng với chi phí 12 triệu franc, thời đó tương đương với giá 48 tấn bạc. Một khoản tiền tương đương với 720 kg bạc được chi hàng năm để trả lương và các chi tiêu công vụ khác cho Tổng đốc.
Không rõ người ta đã phải chi bao nhiêu tiền cho việc tiếp đón các vị du khách từ Nga, nhưng theo mô tả trong cuốn sách của bá tước Ukhtomsky, các nghi lễ được tổ chức ở cấp độ cao nhất.
Khi bóng tối bao phủ thành phố, các du khách Nga đã có dịp chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa hoành tráng theo lệnh của Tổng đốc. Ngay tối hôm đó, họ được thưởng thức một chương trình văn hóa đặc sắc. Họ được mời đến nhà hát châu Âu, xem chương trình biểu diễn của nhóm nghệ sỹ quốc gia.
Theo bá tước Ukhtomsky, "các tiết mục đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ về tiếng ồn ĩ và sự can đảm khi các diễn viên quần thảo trên mặt đất, nhảy qua người nhau và giao chiến bằng những chiếc kiếm gỗ".
Bá tước Ukhtomsky viết rằng, Sài Gòn là thành phố xây dựng theo phong cách châu Âu trên nền những túp lều mà người Việt đã tự đốt cháy khi khởi nghĩa chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Đọc những dòng này, không thể không nhớ lại chuyện người dân Moscow cũng đã từng đốt cháy thành phố của mình, khi nước Nga cũng bị quân giặc Pháp chiếm đóng.
Nhưng đó không phải là quân của Hoàng đế Pháp Napoleon III như khi đánh chiếm Sài Gòn, mà là Napoleon I, từ 50 năm trước… Thật ra, quân Pháp đã phải bỏ chạy khỏi Moscow sau một tháng, còn Sài Gòn thì bị Pháp xâm chiếm trong nhiều thập kỷ.
Đến ngày thứ ba của chuyến thăm, Hoàng tử Nikolai và đoàn tùy tùng của ông đi xe ngựa đến thăm Chợ Lớn. Còn các sĩ quan Nga tháp tùng người kế vị ngai vàng Nga đến Việt Nam thì đi tàu điện, tại thời điểm đó hàng năm đã chuyên chở khoảng một triệu hành khách.
Trong ngày cuối cùng ở Sài Gòn, một đoàn đại biểu người Việt từ Thủ Dầu Một đến yết kiến Hoàng tử Nga. Họ mang đến các món quà tặng Hoàng tử Nikolai: gồm hai báo đen sống, chiếc ghế sơn mài màu đỏ "Ngai Long" với hình ảnh con rồng tô son thếp vàng và bức ngẫu tượng thần săn bắn khổng lồ bằng gỗ.
Ngày 31/Ba, các vị du khách Nga đã rời Sài Gòn, nơi mà như ghi nhận của bá tước Ukhtomsky, "họ đã trải nghiệm sự hiếu khách và tình cảm thân thiện." Tiếp theo, trong ghi chép của mình, bá tước Ukhtomsky chia sẻ suy nghĩ của ông về hiện tại và tương lai của khu vực mà các du khách Nga đã trải qua bốn ngày.
Sử gia Moskva Maxim Syunnerberg nói: "Bá tước Ukhtomsky viết rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên không thua kém Ấn Độ và các nước ở Trung Đông. Bá tước nhận xét rằng lúa, gai, bông, chàm, trầu, thuốc lá, mía, cà phê, trà, các loại rau và gia vị của Việt Nam có chất lượng vào loại cao nhất.
Ông Ukhtomsky viết về các mỏ than bao la ở Bắc Bộ có khả năng đánh bật than đá của Mỹ và Australia được bán ở khu vực này.
Bá tước cũng lưu ý đến số lượng lớn người Trung Quốc nhập cư vào miền Nam Việt Nam. Xin nhắc các bạn độc giả rằng bá tước Nga viết về chuyện này gần 130 năm trước. Bá tước viết rằng điều chính yếu là không được cho phép những người Hoa Kiều đó tụ họp trong các hội kín mang tính hung hăng và quyết liệt.
Bá tước Ukhtomsky cũng chú ý đến các phát hiện khảo cổ, di tích đời sống văn hóa ngàn năm tuổi, sử biên niên và truyền thống cổ xưa của Việt Nam. Tìm hiểu trong sự hỗn loạn các dữ liệu thú vị về thời đại đã qua là nhiệm vụ bổ ích cho tương lai, bá tước Nga viết. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga hôm nay đã thực hiện thành công nhiệm vụ này"./.