Chuyện ít ai biết về chiếc đèn ông sao sáu cánh trong Tết Trung thu xưa

MINH DƯƠNG |

Mỗi độ mùa trăng tháng 8, tất thảy trẻ con, người lớn đều háo hức với chiếc đèn ông sao 5 cánh, nhưng ít ai biết rằng, Trung thu xưa còn có cả đèn ông sao 6 cánh.

Cho tới hiện tại, chẳng ai biết chiếc đèn ông sao xuất hiện từ bao giờ. Xoay quanh câu chuyện ý nghĩa của đèn ông sao, có rất nhiều phiên bản sự tích được gửi gắm trong đó. Người ta thường biết tới đèn ông sao 5 cánh, nhưng ít ai biết rằng đèn ông sao thuở ban đầu có 6 cánh. Trong Trung thu thời hiện đại, khắp phố phường mỗi dịp Trung thu về xuất hiện vô số những chiếc đèn ông sao 5 cánh mà vắng bóng những chiếc đèn cổ 6 cánh đã từ lâu.

Ảnh tư liệu về đèn sao 6 cánh được chụp trên phố Hàng Gai năm 1915 bởi Léon Busy trưng bày tại Bảo tàng Albert-Kahn (Pháp).

Nhắc đến đèn sao cổ 6 cánh, nhiều người bất giác lên mạng tìm kiếm thông tin nhưng dù Google "biết tuốt" cũng chẳng có mấy thông tin về loại đèn này. Dường như, đèn cổ 6 cánh đã "thất truyền" và lui vào dĩ vãng. Tuy nhiên, ở đâu đó trên mảnh đất Cao Viên, nơi dòng sông Đáy đổi dòng trơ lại một khúc sông nhỏ, vẫn có một người nghệ nhân già cất giữ câu chuyện về chiếc đèn đặc biệt

Chuyện ít ai biết về chiếc đèn ông sao sáu cánh trong Tết Trung thu xưa - Ảnh 2.

Đèn ông sao 6 cánh được phục dựng trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh Dương.

Đến nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (84 tuổi) - nghệ nhân cuối cùng của làng nghề Đàn Viên nổi tiếng làm đèn kéo quân vẫn đau đáu giữ nghề làm đèn cho trẻ em mỗi dịp Trung thu về. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền thường xuyên có mặt tại Bảo tàng Dân tộc học để dạy các em nhỏ làm đèn kéo quân và các đồ chơi dân gian vào dịp Trung thu. Đối với ông, nhìn lũ trẻ háo hức, tíu tít làm đồ chơi Trung thu, như chiếc đèn sao 6 cánh là cách để ông gìn giữ ký ức xưa, đồng thời cũng là lan tỏa cho các em nhỏ tình yêu với đồ chơi dân gian, thấu hiểu về cội nguồn văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các em nhỏ làm đèn sao 6 cánh tại đình Kim Ngân trong workshop Ghép đèn sáng sao vào dịp 2/9/2023. Ảnh: Trường làng trong phố.

 Cũng trong lần giao lưu và dạy các em nhỏ cùng các bạn trẻ làm đèn ông sao 6 cánh tại workshop Ghép đèn sáng sao do Trường làng trong phố tổ chức tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội), nghệ nhân Quyền đã chia sẻ câu chuyện về chiếc đèn cổ 6 cánh.

Đèn ông sao 6 cánh cũng tựa như chiếc đèn kéo quân lục giác, có thể 6 mặt ấy là biểu tượng cho 6 cá tính của con người (thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn) hay sự hiếu thảo với lục thân. Cũng có thể, trong 6 cánh của chiếc đèn gửi gắm hy vọng về thế hệ con trẻ có tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Chuyện ít ai biết về chiếc đèn ông sao sáu cánh trong Tết Trung thu xưa - Ảnh 4.

Các em nhỏ thích thú được trải nghiệm làm đèn ông sao 6 cánh do nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn.

Trước kia, đèn ông sao thường có 6 cánh và đèn sao 5 cánh được sinh ra từ 19/8/1945 khi cờ đỏ sao vàng tung bay đánh dấu Cách mạng tháng 8 thành công. Đèn ông sao 5 cánh là vẻ đẹp mừng ngày độc lập, gắn với quá khứ hào hùng của dân tộc. So với những phiên bản về nguồn gốc của đèn sao 5 cánh trước đó như do Ngọc Hoàng phái sao xuống làm bạn với trẻ thơ hay gắn liền với câu chuyện tình yêu trai gái, rõ ràng đèn ông sao 5 cánh tượng trưng cho niềm vui độc lập của dân tộc mang ý nghĩa hơn nhiều. Bên cạnh đó, chiếc đèn ông sao 5 cánh còn tượng trưng cho Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - sự cân bằng của vũ trụ.

Tuy vậy, đèn ông sao cổ 6 cánh vẫn được tái hiện để chúng ta hiểu được rằng, mỗi món đồ chơi dân gian, dù du nhập hay xuất phát từ bản địa, đều đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, đi qua năm tháng, mang theo những giá trị truyền thống, để thế hệ sau thấu hiểu và trân trọng hơn những nét văn hóa cổ truyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại