Câu chuyện hy hữu nhưng có thật trên diễn ra tại ngõ 107 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Căn "nhà" nằm sâu trong con ngõ tối hun hút, được che chắn tạm bợ bằng vài mảnh bìa cứng, tấm ni lông đã mục nát được dựng trên nóc nhà vệ sinh.
Hàng ngày, đó là nơi sinh sống của ông Nguyễn Phùng Hải (80 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm (70 tuổi).
“Căn hộ" nơi gia đình ông Hải sinh sống ở trên nóc nhà vệ sinh tập thể.
Cầu thang lên nơi ở của gia đình ông Hải – bà Xâm dốc dựng đứng, vô cùng nguy hiểm với người già. Mọi sinh hoạt thường nhật đều diễn ra trong một không gian chật hẹp chỉ vỏn vẹn hơn 8m2. Ngôi nhà cổ trong ngõ 107 Hàng Bạc hiện có tất cả 6 hộ gia đình và hơn chục người đang sinh sống, dùng chung khu công trình phụ ở đây.
Mảnh sân nhỏ là nơi sinh hoạt chung của 6 hộ gia đình
Ông Hải phải liên tục dọn dẹp, làm sạch nhà vệ sinh để tránh mùi xú uế bốc lên. “Năm 1975, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng có thể ở được, nên tôi dọn lên và lấy vợ sinh con. Tôi ở đây từ năm đó đến giờ, còn bà này (bà Xâm – PV) ở từ hồi cưới nhau, đến nay cũng được hơn 30 năm” – ông Hải kể lại.
Bức vách ọp ẹp, thủng lỗ chỗ.
Căn nhà đã quá xuống cấp. Tường nhà ẩm mốc, mọi vật dụng, đồ dùng đều nhuốm bụi. Căn phòng dột lỗ chỗ, chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là ngập lênh láng, mọi người phải liên tục dùng chổi để quét nước ra ngoài.
Đồ đạc bên trong chỉ vỏn vẹn có chiếc tủ, ti vi và cái quạt nhưng cũng choán hết không gian của ngôi nhà 8m2. Vừa kể, bà Xâm vừa chỉ vào bức vách bằng tôn đã không còn nguyên vẹn, nói đùa: “Tôi hay khoe nhà tôi giống cái khách sạn ngàn sao, mà đúng thật, ngồi trong nhà cũng thấy sao”.
Chiếc cầu thang nhỏ chật hẹp, trơn trượt. Hàng chục năm sống trong cảnh chật hẹp đó, ông bà cũng đã có nhiều phen… nhớ đời. Mới cách đây chưa lâu, ông Hải còn suýt bị ngã cầu thang, cũng bởi nó rất trơn do phủ đầy rêu, đường đi lại không có đèn, tối “như hũ nút”.
Cuộc sống khó khăn nên ông bà cũng chẳng dám mơ về một căn nhà mới. Không có lương hưu, cặp vợ chồng già xoay đủ nghề để kiếm sống. Thu nhập gia đình dựa cả vào nghề vá xe của ông Hải, cộng với gánh bún riêu của bà Xâm. Hai ông bà cứ thế “rau cháo nuôi nhau”. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, bà Xâm cũng phải nghỉ vì chứng bệnh đau khớp, thiên đầu thống hành hạ.
Khi nhà có khách, bà Xâm thường phải di chuyển vào gian trong mới có chỗ ngồi. Ông Hải kể nhiều lần bị ngã cầu thang, nhưng may mắn “đều đỡ được hết”. “Chuyển ra chỗ khác chẳng quen biết ai, lại không có công việc ổn định để kiếm tiền. Thế nên chúng tôi có muốn cũng chả đi đâu được” – ông Hải trần tình.
Lấy nhau được hơn 30 năm, “tài sản” quý giá nhất mà ông bà có được là hai người con. Người con trai từng học trường FPT. Con gái từng theo học ngành quản trị khách sạn. Cặp vợ chồng nhắc đến hai con với vẻ đầy tự hào: “Hạnh phúc nhất trong cuộc đời có lẽ là những đứa con được học hành tử tế, ngoan ngoãn, dù chúng tôi chẳng giàu có gì về vật chất”. Không khá giả, sung túc về vật chất, chịu tiếng “sống trên nóc nhà vệ sinh”, thế nhưng ông Hải luôn giữ một tinh thần lạc quan. Ngoài giờ làm việc, ông vẫn thường xuyên sáng tác thơ, viết sách.