Chuyên gia Việt tại Nhật Bản bật mí công nghệ phát hiện sớm tế bào ung thư trước 30 năm

XUÂN TRƯỜNG |

PGS.TS Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cho biết, công nghệ protocol có thể phát hiện sớm tế bào ung thư trước 20 – 30 năm với 8 loại ung thư nguy hiểm thường gặp.

UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức hội nghị gặp mặt đại biểu Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.

Tại hội nghị, đóng góp về lĩnh vực y tế, PGS.TS Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản), chuyên gia nghiên cứu công nghệ sinh học nhận định, tình hình ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đang diễn ra rất nghiêm trọng, gây suy giảm sức khỏe người dân.

Hiện nay, tỷ lệ người bị nhiễm ung thư tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang ở mức đáng báo động.

PGS. TS. Trần Đăng Xuân cho biết, nhóm của ông đã nghiên cứu thành công phương pháp sử dụng protocol phát hiện sớm 8 loại ung thư thường gặp.

“Chỉ với 1 vài giọt máu, có thể chẩn đoán trước khi bệnh ung thư sớm từ 20 – 30 năm. Với một số loại ung thư, chúng tôi có thể nói chính xác 100%”, PGS Xuân nói.

Chuyên gia Việt tại Nhật Bản bật mí công nghệ phát hiện sớm tế bào ung thư trước 30 năm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi gặp mặt đại biểu Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đăng Xuân, giá thành của dịch vụ hiện rất cao chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.

PGS.TS Trần Đăng Xuân mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ để phương pháp kiểm tra này được phổ biến rộng hơn đến những người có nhu cầu.

“Chúng tôi đang cố gắng để giá thành thấp đi vì công nghệ protocol hiện chỉ có Nhật và Mỹ phát triển thành công nhất nhưng giá rất đắt, khoảng 5.000 USD/ 1 lần kiểm tra với 8 loại ung thư gây nguy cơ chết người cao nhất".

PGS.TS Trần Đăng Xuân cũng chia sẻ, ung thư đang là vấn nạn lớn cho các thành phố lớn cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Vị chuyên gia này bày tỏ mong muốn có thể hỗ trợ, đóng góp 1 phần cho sự phát triển của TP. Hà Nội: “10 năm sau, nếu tất cả mọi người, trước mắt là người dân TP. Hà Nội có thể kiểm tra bằng công nghệ này với giá rẻ tối đa, sẽ không còn ai chết vì ung thư”.

Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Trần Đăng Xuân, ông Cao Anh Tuấn, nghiên cứu sinh trường Đại học San Francisco (Mỹ) ủng hộ việc mang công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, tuy nhiên, việc nghiên cứu ở nước ngoài chỉ tập trung cho người da trắng hoặc cho những chủng tộc của họ

. Chính vì vậy, vấn đề là phải làm sao để có thể mang công nghệ đó về áp dụng cho người Việt Nam.

“Chúng ta cần cố gắng mang công nghệ nước ngoài về và kết hợp với họ để nghiên cứu tập trung cho người Việt.

Có thể, những đột biến gây ung thư chỉ có trong gen của người Việt mà không có trong gen của những người châu Âu hay những người chủng tộc khác”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nếu chỉ áp dụng công nghệ từ Mỹ mang về thì khó có sự phù hợp. Vì vậy cần có những sản phẩm thuần Việt và chỉ dành cho gen của người Việt, để sau 4 -5 năm nữa, thông tin gen ấy được dùng để chữa bệnh cho người Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại