Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận cay đắng: Bắc Kinh non kém trong quản lý sự cố không gian

Nam Anh |

Khi cạnh tranh trong không gian nóng lên, bất kỳ sự cố nào cũng có thể leo thang thành xung đột, ngày càng có nhiều lời kêu gọi "hồi sinh" các cuộc đối thoại về không gian vũ trụ.

Tờ SCMP ngày 9/3 dẫn lời ông Wu Riqiang - Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - lên tiếng cảnh báo về nguy cơ va chạm trong không gian.

Theo ông Wu, chính quyền Trung Quốc nên xem xét thiết lập các cơ chế liên lạc với SpaceX và NASA - thậm chí là đường dây nóng - để tránh những sự cố đáng tiếc.

Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận cay đắng: Bắc Kinh non kém trong quản lý sự cố không gian - Ảnh 1.

Wu Riqiang - Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Mỹ - Trung nên lập đường dây nóng

Ông Wu cũng đã bác bỏ giả thuyết cho rằng, quân đội Mỹ cố gắng do thám Trung Quốc khi vệ tinh Starlink của SpaceX đến quá gần trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào tháng 7 và tháng 10/2021.

Thay vào đó, cựu kỹ sư tên lửa của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cho rằng, vụ va chạm gần với vệ tinh này - do công ty hàng không SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk điều hành - chỉ "giống như những tai nạn kỹ thuật ngẫu nhiên".

Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận cay đắng: Bắc Kinh non kém trong quản lý sự cố không gian - Ảnh 2.

Trung Quốc từng cáo buộc các vệ tinh của công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk hai lần "chạm trán gần" với trạm vũ trụ Thiên Cung của họ vào tháng 7 và tháng 10/2021.

Trong bài phân tích được đăng trên ấn bản mới nhất của World Affairs - một tạp chí trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Wu cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ thiết lập một kênh liên lạc "kịp thời hơn", chẳng hạn như đường dây nóng, để chia sẻ thông tin về các vụ va chạm vệ tinh tiềm ẩn.

Những lo ngại về nguy cơ va chạm như vậy đã được thổi bùng lên vào tháng 12/2021 khi Trung Quốc - trong một tuyên bố hiếm hoi - đã cáo buộc các vệ tinh của SpaceX hai lần "chạm trán gần" với trạm vũ trụ Thiên Cung.

Các phi hành gia tại trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này "đã phải áp dụng những biện pháp cơ động tránh va chạm" với các vệ tinh Starlink vào ngày 1/7 và 21/10/2021, phía Trung Quốc cho biết vào thời điểm đó.

Trung Quốc cho rằng, dù SpaceX là công ty tư nhân, độc lập với quân đội Mỹ và NASA, nhưng các nước thành viên Hiệp ước Không gian Bên ngoài - nền tảng của luật vũ trụ quốc tế - vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động của cả những thực thể phi chính phủ.

Mặc dù cả tỷ phú Musk và chính phủ Mỹ đều bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc, nhưng vụ việc đã chứng tỏ căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong không gian - một "chiến trường mới" trong cuộc cạnh tranh siêu cường giữa hai nước.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào mà hai "ông lớn" này, cũng như các quốc gia du hành vũ trụ khác và các nhà khai thác thương mại, có thể quản lý rủi ro va chạm tốt hơn.

Bắc Kinh "đi sau, ít kinh nghiệm"

Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập cơ chế đối thoại không gian dân sự vào năm 2015. Và vào năm 2016, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau lần đầu tiên để bàn về an ninh vũ trụ. Tuy nhiên, đã không có cuộc họp nào được tổ chức kể từ năm 2017.

Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận cay đắng: Bắc Kinh non kém trong quản lý sự cố không gian - Ảnh 3.

Một tên lửa mang theo 22 vệ tinh được phóng lên từ bãi phóng tàu vũ trụ ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc hồi tháng 2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Khi cuộc cạnh tranh trong không gian ngày càng nóng lên với lo ngại rằng bất kỳ sự cố nào cũng có thể leo thang thành xung đột, càng có nhiều lời kêu gọi "hồi sinh" các cuộc đối thoại về không gian vũ trụ.

Ông Wu cho biết, NASA và quân đội Mỹ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý rủi ro va chạm và các tác động tiềm tàng. Nhưng Trung Quốc là quốc gia đi sau trong lĩnh vực khám phá không gian và nên còn thiếu kinh nghiệm trong việc chia sẻ thông tin chi tiết về các chuyến bay vào vũ trụ.

Điều này cũng giải thích một phần lý do vì sao Bắc Kinh không phản hồi ngay lập tức về hai sự cố với vệ tinh Starlink mà phải để nhiều tháng sau đó, ông Wu nhấn mạnh.

Vào tháng 3/2021, SpaceX và NASA đã ký một thỏa thuận chia sẻ dữ liệu về an toàn bay vào vũ trụ nhằm xác định các quy tắc, trách nhiệm và thủ tục phối hợp trên các vị trí quỹ đạo và kế hoạch điều động.

Theo ông Wu, Trung Quốc nên phối hợp với Mỹ để thiết lập một cơ chế tương tự.

Theo thỏa thuận, NASA cũng yêu cầu SpaceX - hiện có ít nhất 1.260 vệ tinh trên quỹ đạo - lên kế hoạch phóng Starlink ở vị trí cao hơn hoặc thấp hơn điểm cao nhất và thấp nhất trên quỹ đạo của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang quay quanh Trái đất ít nhất 5km.

Ông Wu cho biết để thiết lập một cơ chế tương tự, Bắc Kinh có thể phải chấp nhận ngưỡng tiêu chí va chạm khẩn cấp do Mỹ đặt ra và công bố dữ liệu quỹ đạo của trạm vũ trụ Thiên Cung của mình.

Tuy nhiên, giống như NASA, Trung Quốc cũng có thể yêu cầu SpaceX thông báo trước mỗi lần phóng Starlink để cơ quan vũ trụ ở Bắc Kinh có thể xác định xem sứ mệnh đó có gây ra bất kỳ rủi ro va chạm nào hay không.

Trong một dấu hiệu tiến triển mới nhất, hồi tháng trước, Trung Quốc tuyên bố họ đã lần đầu tiên công bố các vị trí quỹ đạo cơ bản của trạm vũ trụ của mình trên trang web của Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc - cơ quan trung ương phụ trách các sứ mệnh phi hành đoàn.

Tuy nhiên, ông Wu cho biết cần có thêm thông tin chi tiết.

"Vận hành một trạm vũ trụ có người lái trong thời gian dài là một chủ đề hoàn toàn mới đối với Trung Quốc, và việc thiết lập một cơ chế tránh va chạm để ngăn chặn các sự kiện tiếp cận nguy hiểm tương tự tái diễn sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp bách", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại