Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên phát hiện tiểu hành tinh mã số 52768 (1998 OR2) vào năm 1998. Với đường kính 2,5km, tiểu hành tinh này nếu va vào Trái Đất sẽ gây ra thảm họa toàn cầu. Kể từ sau phát hiện này, các cơ quan hàng không vũ trụ trên khắp thế giới đã liên tục theo dõi và ghi nhận dữ liệu chính xác về quỹ đạo bay của tiểu hành tinh.
Tiểu hành tinh trên sẽ bay qua Trái Đất vào ngày 29/4 tới với tốc độ 8,69km/giây. Dự kiến tiểu hành tinh này sẽ tiếp cận cách bề mặt Trái Đất khoảng 6,28 triệu km, tương đương 16,4 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Do đó, theo nhà thiên văn Zhao Haibin của đài quan sát Tử Kim Sơn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, khả năng tiểu hành tinh này đâm vào Trái Đất khi bay qua lần này là bằng không.
Các nhà khoa học của đài quan sát Tử Kim Sơn đã chú ý tới tiểu hành tinh này. Kể từ ngày 4/4, khi tiểu hành tinh này di chuyển gần Trái Đất, họ đã dùng kính viễn vọng quan sát và báo dữ liệu lên Trung tâm tiểu hành tinh, thuộc Hiệp hội Thiên văn quốc tế.
Theo nhà thiên văn Zhao Haibin, qua theo dõi nguy cơ va chạm, các nhà khoa học đã nắm được rằng không xảy ra khả năng tiểu hành tinh 52768 va chạm với Trái Đất vì vậy không cần lo lắng về điều này. Nhà thiên văn này cũng nhấn mạnh qua theo dõi khả năng va chạm của tiểu hành tinh, các nhà khoa học cũng có thể phát triển các phương pháp bảo vệ Trái Đất.