Chuyên gia tội phạm học phân tích hành vi truy sát gia đình em gái của cựu phó GĐ ở Thái Nguyên

Hoàng Hải |

Theo Trung tá Hiếu nếu cơ quan công an chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản trong vụ án thì có thể đây sẽ là 1 tình tiết giảm nhẹ rất quan trọng đối với Bùi Xuân Hồng.

Không gì biện minh cho hành vi giết người

Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ án mạng nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong gây xôn xao, bức xúc trong dư luận.

Một trong những vụ án nhận được sự quan tâm của nhiều người đó là việc Bùi Xuân Hồng (63 tuổi, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ra tay sát hại gia đình em gái khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương chỉ vì mâu thuẫn nợ nần trong cuộc sống.

Để rõ hơn diễn biến tâm lý phạm tội của Bùi Xuân Hồng, PV đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm học (Bộ Công an).

Theo quan điểm của Trung tá Hiếu: Không thể vì bất cứ lí do gì để biện minh cho hành vi giết người. Vụ án trên là giết người với động cơ mâu thuẫn thù tức.

"Dù bất cứ lí do gì thì không có gì có thể biện minh được cho hành vi tước đoạt tính mạng người khác để giải toả bức xúc tâm lý của bản thân...", Trung tá Hiếu nói.

Vị chuyên gia tâm lý tội phạm học này cho biết: Về khía cạnh con người, việc mâu thuẫn thù tức trong vụ án trên phát sinh từ chuyện cho vay tiền và sau đó đòi nhưng không trả nên tạo ra sự ức chế.

Bản thân người cho vay lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính còn người vay do điều kiện khách quan không trả được.

Theo Trung tá Hiếu: Trong xã hội hiện nay, nhiều người có tâm lý vay được tiền rồi lại có ý định chiếm đoạt. Việc này là nguồn cơn tạo ra những bức xúc tâm lý cộng vào con người mà về mặt nhân cách, đạo đức bên trong đã có sự lệch lạc nên dễ gây ra án mạng.

Sự lệch lạc về đạo đức này lại không hiện ra bằng mắt thường để mọi người có thể nhìn thấy. Quá trình lệch lạc nhân cách được tích tụ và chuyển hoá dần diễn ra qua ngày, qua tháng.

Chuyên gia tội phạm học phân tích hành vi  truy sát gia đình em gái của cựu phó GĐ ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Bùi Xuân Hồng làm việc tại cơ quan công an. (Ảnh: CAND)

"Một người già đã có cả quá trình cống hiến nhưng về những năm tháng cuối đời, gặp phải các hiện tượng xã hội tiêu cực do hoàn cảnh sống có vấn đề không được như ý làm cho người ta dần thay đổi nhận thức.

Có thể trước đây họ (người gây án - PV) là những con người lương thiện nhưng qua quá trình sống nảy sinh những sự lệch lạc về suy nghĩ, nhận thức, nhu cầu, định hướng giá trị..." Trung tá Hiếu nhận định.

Sự thù hằn, ức chế lên đến đỉnh điểm

Vị chuyên gia tâm lý tội phạm này cũng cho biết: Nếu như cơ quan điều tra chứng minh được người vay tiền của Bùi Xuân Hồng mà bộc lộ ý định chiếm đoạt tài sản.

Tức là vay hợp pháp nhưng lại không trả nhằm chiếm đoạt số tài sản này thì hành vi trên có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Nếu cơ quan công an chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản trong vụ án thì việc Hồng gây án có dấu hiệu phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động. Đây có thể là 1 tình tiết giảm nhẹ rất quan trọng đối với Bùi Xuân Hồng.

"Không thể biện minh được hành vi giết người này bằng bắt kì lý do gì kể cả pháp luật và đạo lý.

Công cụ pháp lý chỉ có toà án mới được phép quyết định số phận của 1 con người nào đó dựa trên hành vi phạm tội của người đó chứ không thể quyết định số phận con người bằng hành vi giết hại..." Trung tá Hiếu nhấn mạnh.

Trung tá Hiếu cũng nhận định mâu thuẫn trong con người Bùi Xuân Hồng được tích tụ lâu dài qua ngày, qua tháng.

Với đặc điểm của Bùi Xuân Hồng là người có tuổi, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống thì hành vi giết người không phải là bộc phát nhất thời, manh động nữa mà đã có sự tính toán.

Tức là sự thù hận, ức chế về tâm lý lên đến đỉnh điểm.

Từ câu chuyện trên đặt ra hàng loạt những câu chuyện khác như việc ngăn chặn từ xa, hoà giải của các thiết chế xã hội tại cơ sở.

Bởi những cuộc tranh cãi liên quan đến tiền không phải ngày 1, ngày 2 mà trước đó nó đã có nhựng sự va chạm.

"Vấn đề ở đây đặt ra câu chuyện các ban hoà giải, tổ dân phố có biết được những mâu thuẫn này không và đã làm gì để ngăn chặn thảm hoạ xảy ra.

Rất nhiều vụ án đã xảy ra do sự tắc trách của chính quyền địa phương. Chẳng hạn vụ thảm án ở Đan Phượng phát sinh do việc không được ngăn chặn kịp thời...", Trung tá Hiếu nói.

Tại công an, bị can Bùi Xuân Hồng khai việc gây án xuất phát từ mâu thuẫn tiền bạc.

Cụ thể, Hồng cho gia đình em gái là bà Bùi Thị Hà (60 tuổi, trú tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) vay 3 tỷ đồng từ năm 2016 – 2017.

Tuy nhiên, đến nay bị can vẫn không đòi được tiền, khi sang đòi gia đình em gái còn thách thức nên Hồng nảy sinh ý định sat hại cả nhà em gái rồi tự tử.

Vào tối 14/9, Bùi Xuân Hồng đi xe đạp và mang theo 1 con dao nhọn, 1 dao bầu cùng 1 khẩu súng, 1 chai xăng sang nhà em gái nói chuyện, lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn.

Bất ngờ đối tượng rút dao nhọn đâm nhiều nhát vào người anh Vương (con rể bà Hà). Khi vợ chồng bà Hà can ngăn, bị can dùng dao đâm 2 vợ chồng.

Sau vụ việc, cả 3 nạn nhân được người thân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bà Hà đã tử vong ngay sau đó. Đến khoảng 2h30 ngày 17/9, chồng bà Hà là ông Thành cũng tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai do vết thương quá nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại