Các chuyên gia phân tích, dựa trên chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, Washington thực sự cáo buộc Bắc Kinh tìm cách phá hủy trật tự thế giới đã được thiết lập. Cuộc xung đột sau đó xảy ra dưới hình thức chiến tranh thương mại.
Giáo sư Yang Cheng tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận xét: "Khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, rõ ràng họ không thể tránh khỏi một cuộc xung đột với Mỹ", viện dẫn sự kiện tương tự là cuộc chiến thương mại Mỹ - Nhật nổ ra vào cuối thập niên 1970. Tuy nhiên, theo ông, cuộc xung đột hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giới hạn trong thương mại, đây là vấn đề về ý thức hệ, về cách thức tiếp cận các quy tắc thương mại thế giới, theo đó cả hai nước đang mâu thuẫn nghiêm trọng.
Các chuyên gia phân tích, một số quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương do cố gắng để không bị kéo vào mối mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, đã cân bằng chiến thuật và hiện thực hóa lợi ích của họ thông qua hợp tác với cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hơn nữa, họ có ý định hưởng lợi từ cả sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cùng khái niệm của Mỹ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Theo các chuyên gia, vấn đề giải trừ hạt nhân và sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Triều Tiên là một tiến trình dài hạn có thể mất nhiều thập niên. Bình Nhưỡng có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam.
Giáo sư Simotomai Nobuo từ Đại học Hosei cho rằng, một giải pháp cho chương trình tên lửa - hạt nhân của Triều Tiên là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh tiềm ẩn khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở trung tâm khu vực châu Á. Theo ông, cần xây dựng một cơ chế phòng ngừa rủi ro và mỗi quốc gia tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên trước đây có thể đóng góp vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực.