Chuyên gia quốc tế nêu hai điều quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng khi biến cố quốc tế bủa vây

Dy Khoa |

Nhu cầu nước ngoài sụt giảm tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành định hướng xuất khẩu. Việt Nam cần làm gì?

Trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 4, do ông Brian Lee Shun Rong - chuyên gia nghiên cứu Kinh tế vĩ mô - và ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng - của Tập đoàn Maybank Investment Banking (Maybank IBG) chỉ ra sản xuất công nghiệp (IP) tăng nhẹ trong tháng 4 nhưng không tương ứng với xuất khẩu.

Theo quan điểm của Maybank IBG, sự phục hồi sản xuất công nghiệp sẽ không bền vững, trừ khi nhu cầu ngoài nước cải thiện, do hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào xuất khẩu. Các công ty sản xuất đã sa thải hàng nghìn việc làm do nhu cầu yếu. Người lao động tại các doanh nghiệp vốn FDI chịu gánh nặng mất việc làm nhiều nhất so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Báo cáo cũng nhắc lại việc xuất khẩu hàng hóa giảm trong tháng 4. So sánh với cùng kỳ, sự suy yếu đến từ điện thoại và linh kiện, dệt may và máy tính, thiết bị điện tử và linh kiện.

Chuyên gia quốc tế nêu hai điều quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng khi biến cố quốc tế bủa vây - Ảnh 1.

Theo chuyên gia, có hai yếu tố sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Getty.

Thặng dư thương mại lên 1,5 tỷ USD trong tháng 4

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 25,8% trong tháng 4 so với giảm 20,3% trong tháng 3. Thị trường EU cũng sụt 24,4% trong tháng 4 so với -15,7% trong tháng 3. Theo Maybank IBG, đây là lực kìm hãm chính. Xuất khẩu sang các nước châu Á cũng đồng thời giảm, bao gồm Hàn Quốc (-9,4%), Nhật Bản (-4,8%) và ASEAN (-4,2%). Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 0,5% nhờ kinh tế phục hồi.

Nhập khẩu hàng hoá (-15,4% trong tháng 4 so với -12,9% trong tháng 3) tiếp tục thấp hơn đáng kể so với năm ngoái, trong khi giảm 8,1% so với tháng trước.

Thặng dư thương mại tăng nhẹ lên 1,5 tỷ USD trong tháng 4 (so với 1,4 tỷ USD trong tháng 3), tháng thặng dư lần thứ 11 liên tiếp kể từ tháng 6/2022, nhờ nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu.

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ (+11,5% trong tháng 4 so với 13,4% trong tháng 3) chậm lại nhưng vẫn phục hồi trong tháng 4.

Sự phục hồi du khách có thể hỗ trợ tăng trưởng doanh thu bán lẻ. Khách du lịch nước ngoài đã tăng lên 984 nghìn trong tháng 4 từ 895 nghìn trong tháng 3, tăng 9,9% (88,7 nghìn). Khách du lịch từ Trung Quốc tăng 42,6 nghìn so với tháng 3 sau khi Trung Quốc nối lại các tour du lịch đến Việt Nam, chiếm một nửa mức tăng trưởng chung.

Lượng khách du lịch nội địa tăng lên 10,5 triệu trong tháng 4 so với 7,5 triệu trong tháng 3.

Đầu tư công tăng, số lượng dự án FDI cao nhất kể từ năm 2020

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 16,4% so với cùng kỳ trong tháng 4, nhờ chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án công để phục hồi nền kinh tế. Trong bốn tháng đầu năm 2023, đầu tư của nhà nước lên mức 5,6 tỷ USD. Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu tăng trưởng đầu tư nhà nước (+78,8%), đóng góp từ các đoạn của dự án đường cao tốc Bắc-Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 5,85 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Có làn sóng đầu tư đến từ Trung Quốc sau khi được mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết đầu tư vào 117 dự án FDI mới, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ sau Hàn Quốc (121 dự án). Mức đầu tư trung bình tính tới nay của Trung Quốc cho các dự án mới tại Việt Nam lên đến 8,3 triệu USD, so với 4,5 triệu đô trong năm ngoái.

“Chúng tôi duy trì dự báo GDP cả năm ở mức 5,5%. Nhu cầu nước ngoài sụt giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành định hướng xuất khẩu và không có dấu hiệu cải thiện trong tháng 4. Khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ vẫn tăng cao do các điều kiện thắt chặt tài chính trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất và tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng. Chi tiêu chính phủ mạnh mẽ và sự phục hồi của Trung Quốc sẽ hỗ trợ một phần cho sự tăng trưởng của Việt Nam”, đại diện Maybank IBG kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại