Trong phim Hoàn Châu cách cách, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng công chúa Hàm Hương xứ Hồi Cương lại là một trong những vai diễn đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả nhất.
Được miêu tả là một tuyệt sắc giai nhân, Hàm Hương là công chúa bị ép gả cho Càn Long nhà Thanh vì mục đích chính trị. Thế nhưng nàng đã khiến cho Hoàng đế say mê ngay từ khi mới gặp vì nhan sắc quá mức kiều diễm.
Điều đặc biệt hơn cả ở Hàm Hương là mùi hương thơm ngào ngạt tự nhiên phát ra trên người. Chỉ cần nàng đi đến đâu, hương thơm quyến rũ tỏa ra đến đấy, thu hút biết bao ong bướm quây tụ. Cũng chính vì mùi hương kỳ lạ này mà biết bao lần chạy trốn với người tình Mông Đan, Hàm Hương đều bị phát hiện.
Mỹ nhân Hàm Hương được thủ vai bởi nữ diễn viên quá cố Lưu Đan trong Hoàn Châu cách cách đã để lại một ấn tượng quá sâu trong hình dung của bao thế hệ. Vậy trong thực tế lịch sử, người phụ nữ này có khiến người ta rung động đến thế?
Theo tác giả Quỳnh Dao, nhân vật Hàm Hương được xây dựng dựa trên một vị phi tần có thật của Càn Long là Dung phi, hay còn gọi là Hương phi. Bà là người xuất thân tộc Duy Ngô Nhĩ và cũng được gả cho Hoàng đế nhà Thanh ở tuổi đôi mươi vì lý do chính trị.
Nhưng khác với Hàm Hương trong phim, bà có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với Càn Long, được hết lòng sủng ái. Dung phi được xây cung điện riêng nguy nga, được phép mặc trang phục của dân tộc mình ở trong cung. Bà cũng được sử sách ghi chép là xinh đẹp, có tài ca múa.
Thế nhưng chi tiết tỏa hương thơm lạ lùng được cho chỉ là do hậu thế về sau hư cấu nên mà thôi. Dung phi bị bệnh qua đời ở tuổi 55. Sau khi từ trần, bà được đưa về an táng tại quê nhà Khách Thập (Kashgar) và chôn cất trong lăng mộ chung của gia đình - lăng Apak Khoja.
Dung mạo thực sự của Dung phi có thể được chiêm ngưỡng qua một bức chân dung còn lưu truyền lại do một họa sĩ người Pháp tên Castiglione vẽ. Trong tranh, Dung phi hiện lên là một người phụ nữ đoan trang, hiền thục và quả thật rất xinh đẹp. Thế nhưng bức tranh này đã được vẽ khoảng 2 thế kỷ sau khi Dung phi qua đời nên độ chính xác không thể đảm bảo là 100% mà có thể còn được hư cấu và vẽ dựa trên miêu tả của người đời sau.
Để tìm câu trả lời cho nhan sắc thật của Dung phi, các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc đã thực hiện một dự án phục dựng kỳ công. Hình ảnh của bà được phục chế lại từ kết quả khai quật hài cốt lăng mộ, kết hợp với bức chân dung được lưu truyền và cả những sử liệu miêu tả có tính xác thực cao.
Và kết quả sau cùng về gương mặt Dung phi - nguyên mẫu Hàm Hương đã khiến rất nhiều người phải bất ngờ.
Không ít người đã nhận xét hình ảnh Dung phi được trùng tu trông rất giống một nữ minh tinh nổi tiếng thời hiện đại, nhưng không phải là Lưu Đan mà là Lý Băng Băng. Vẻ đẹp của bà cũng mang nét người dân tộc Duy Ngô Nhĩ chứ không giống người Hán.
Bên cạnh đó, bức chân dung của họa sĩ người Pháp cũng khắc họa vị phi tần này khá chính xác. Nhan sắc của Dung phi - Hàm Hương có thể nói là thực sự kiều diễm, nên bà được Hoàng đế Càn Long sủng ái đến vậy cũng không có gì là ngạc nhiên.