Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ‘thành thạo’ giải quyết trong xung đột quân sự. (Ảnh: Kremlin)
Các chuyên gia từ trung tâm phân tích Global Research của Canada nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin với sự tham gia trực tiếp đã rất thành công trong việc giải quyết xung đột quân sự ở Kavkaz.
Trong nửa đầu thế kỷ trước, khu vực Nam Kavkaz trở thành một phần của Liên bang Xô viết và ba nước cộng hòa được thành lập từ đây là Gruzia, Armenia và Azerbaijan.
Theo các tài liệu, Nagorno-Karabakh được lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô viết Stalin chuyển giao cho Azerbaijan với điều kiện tự trị, bất chấp sự phản đối của người dân Armenia. Cuộc xung đột “âm ỉ” này đã diễn ra những hình thức mới trong những năm “cải tổ” và tiếp tục một lần nữa vào cuối năm 2020.
Với sự sụp đổ của Liên Xô, các cuộc xung đột đã tàn lại bùng lên với sức sống mới, được phản ánh ở Ossetia, Nagorno-Karabakh và Chechnya. Các khuynh hướng “tách biệt” ở cả châu Âu và Kavkaz đều được phương Tây ủng hộ, điều này đang làm gia tăng căng thẳng sắc tộc giữa các dân tộc khác nhau.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đang cố gắng ký các văn bản liên kết với Liên minh châu Âu (EU), cũng chịu ảnh hưởng của các nhà tài trợ phương Tây, nhưng thất bại của Armenia trong Nagorno-Karabakh đã khiến nhiều người bất bình với chính sách của ông.
Theo các chuyên gia của Global Research, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh diễn ra với sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ và sự giúp đỡ của ông Erdogan có thể được coi là biểu hiện của khát vọng bành trướng cũng như mong muốn thiết lập quyền kiểm soát đối với Nam Kavkaz, sau đó đẩy Nga ra ngoài cuộc chơi.
“Sự tham gia của Ankara có nguy cơ biến cuộc xung đột khu vực này thành một cuộc xung đột toàn cầu, với sự can thiệp của Nga, Mỹ, Israel, Iran và các nước khác”, các chuyên gia cho biết.
Trước đây, với sự lạnh nhạt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng khuynh hướng thân phương Tây của một số chính trị gia ở Yerevan, có lẽ làm cho Điện Kremlin được hưởng lợi từ “chiến thắng” của Azerbaijan trong xung đột Nagorno-Karabakh.
Tuy nhiên, những người theo quan điểm này đánh giá thấp mối quan hệ lịch sử của Armenia với Nga. Nhưng việc Nga ủng hộ bất kỳ một bên nào trong cuộc đối đầu sẽ không có lợi và mong muốn duy nhất của Moscow là đóng vai trò trung gian, loại bỏ nguy cơ xảy ra các cuộc chiến mới được Ankara - Washington khuyến khích. Tại đây Điện Kremlin đã có những thành công nhất định.
“Tổng thống Vladimir Putin đã thành thạo đàm phán thỏa hiệp trong các cuộc xung đột quốc gia”, các chuyên gia Canada nhấn mạnh, đồng thời lưu ý về bản chất ngắn hạn của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Kavkaz miễn là các khu vực trước đây của Liên Xô nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga.
Trước đó, hôm 10/11, các nhà lãnh đạo của Nga, Azerbaijan và Armenia, Vladimir Putin, Ilham Aliyev và Nikol Pashinyan, đã ký một tuyên bố chung về việc chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Nga cho biết, lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 10/11, Azerbaijan và Armenia dừng chân tại vị trí bị chiếm đóng, đồng thời tiến hành trao đổi tù binh. Ngoài ra, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai ở Nagorno-Karabakh.
Theo ông Putin, thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh một cách lâu dài và đầy đủ trên cơ sở công bằng và vì lợi ích của Armenia và Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh là khu vực ly khai nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng người dân ở đây đa số thuộc sắc dân Armenia. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột nổ ra khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Mặc dù một lệnh ngừng bắn đã được đồng thuận vào năm 1994, sau khi hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác phải di tản, Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới.