Đầu năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan chính thức đưa vào vận hành và ngay lập tức xác lập cho mình hàng loạt kỷ lục hết sức khó tin: tuyến cáp 3 dây dài nhất cùng ga độ chênh giữ ga đi và ga đến lớn nhất thế giới.
Đằng sau hàng loạt kỷ lục được cả thế giới công nhận và tôn vinh, cáp treo 3 dây còn là rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của hàng nghìn con người dành hơn 800 ngày đêm của mình để mở tuyến, dựng nên cây cầu kỳ vĩ xuyên rừng thẳm và mây mù nối với đỉnh trời Tây Bắc.
Tháng 11/2023, quần thể cáp treo Fansipan chính thức khởi công. Ngay sau khi giấy phép xây dựng tuyến cáp treo Fansipan chính thức có hiệu lực, hơn 300 cán bộ, kỹ sư bắt đầu hành trình hành quân vào lòng núi mẹ để thực hiện hoá giấc mơ lên đỉnh trời của mình.
Theo phương án ban đầu của các chuyên gia Doppelmayr Garaventa, công nhân Việt có thể vận chuyển vật tư bằng việc chặt cây, mở đường. Tuy nhiên, chủ đầu tư chính thức bác bỏ phương án trên, bởi tiêu chí tiên quyết của dự án là "không xâm phạm môi trường". Các giải pháp tân tiến khác như khinh khí cầu hay trực thăng cũng đã được sử dụng, nhưng đều thất bại trước khí hậu và địa hình Fansipan.
Vậy là phương án cáp công vụ LCS được đưa ra. Nhưng để thực hiện tuyến cáp này và tiếp đó là đường dây 35kV cấp điện cho toàn bộ quá trình thi công cũng như vận hành cáp treo sau này, duy nhất “sức người” được áp dụng thành công. Hàng nghìn đôi vai trần cõng, địu hàng chục ngàn tấn sắt thép, máy móc, thiết bị… cần mẫn đi bộ như những “đàn kiến” trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu... trong suốt 1 năm trời.
Giai đoạn vất vả nhất phải kể đến công tác trắc đạc nhằm xác định vị trí các cột trụ chính cho toàn tuyến cáp treo. Khi ấy, đoàn kỹ sư buộc phải tiến sâu vào lõi rừng Hoàng Liên, tiếp cận các điểm cao từ 1.800m đến hơn 3.000m.
Để vượt qua vực sâu và dốc đứng, họ phải tự đóng thang từ cây rừng hoặc buộc dây vào các gốc cây cổ thụ rồi đu mình qua núi. Trượt chân ngã hay lăn từ độ cao 1-2m xuống đất dần trở thành chuyện thường ngày đối với những "chiến binh" trong chuỗi ngày ăn núi, nằm sương đầy gian khổ.
2 năm 4 tháng thi công, nhiệt độ ngoài trời luôn từ -2 đến -7 độ, băng giá, sương mù bao phủ, thiếu thức ăn, nước uống. Không internet, điện thoại cũng chẳng có sóng. Đã có lúc cả trăm công nhân bỏ về, vì không chịu nổi vất vả. Dẫu vậy, những người ở lại vẫn bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, không ngừng khích lệ nhau tiếp tục hành trình này.
Chứng kiến cách làm "thô sơ này", các chuyên gia nước ngoài ngán ngẩm dự báo có lẽ phải mất tới 5 năm, công trình mới có cơ may vận hành.
Tuy nhiên, trái ngược với sự bi quan này, tháng 1/2015, tuyến cáp công vụ chính thức được vận hành. Thêm 3 tháng nữa, 4 trụ thép chính T1 đến T4 đã vươn cao trên tán rừng Hoàng Liên. Và đến giữa tháng 12/2015, sợi cáp cuối cùng cũng cán đích, chính thức thiết lập thành công cáp 3 dây đầu tiên của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Từ một "nàng công chúa ngủ quên" đến niềm tự hào của du lịch Việt trên trường quốc tế
Trải qua chuyến hành trình 800 ngày đầy gian nan và thử thách, tháng 2/2016, tuyến cáp treo chính thức hoàn thành, ghi tên vào bảng vàng Guinness World Record với 2 kỷ lục : "Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới" và "Cáp treo ba dây dài nhất thế giới".
Tuyến cáp gồm 33 cabin, mỗi cabin có sức chứa tối đa từ 30- 35 khách, công suất vận chuyển là 2.000 khách/giờ. Nhờ hệ thống cáp treo này, thời gian di chuyển từ thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan được rút xuống còn 15 phút, thay vì hai ngày leo bằng đường núi hiểm trở.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, địa phương chỉ đón 65.000 khách du lịch vào năm 2010, trước khi đường cao tốc từ Hà Nội được xây dựng vào năm 2014 và cáp treo được khánh thành vào năm 2016.
Đến năm 2023, ước tính tổng số lượt khách tham quan các điểm du lịch tại thị xã đạt 3,68 triệu, lượt tăng 105% so với kế hoạch năm 2023. Năm 2024, thị xã Sapa đặt mục tiêu sẽ đón 4,5 triệu lượt khách.
Hạ tầng du lịch cũng có bước nhảy vọt. Nếu như năm 2015, Sapa có 3.000 phòng khách sạn, với sức chứa tối đa khoảng 6.000 người, thì đến nay, thị xã đã có 9.000 phòng lưu trú với 5 khách sạn 5 sao.
Chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng rất tích cực tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hoá vào nhiều thời điểm trong năm như Lễ hội Đền Mẫu Sơn - Mẫu Thượng và Mẫu Fansipan, Lễ hội Trăng rằm, Lễ hội Tuyết, show nghệ thuật thực cảnh "Vũ điệu dưới trăng", show diễn "Điểm hẹn", phục dựng không gian văn hóa Chợ phiên, Chợ tình Sa Pa… tạo hiệu ứng "hút khách" mạnh mẽ.
Du lịch phát triển đương nhiên kéo theo sự đi lên của nền kinh tế. Tổng thu ngân sách thị xã 1.414.345 triệu đồng, bằng 103,6% dự toán giao tỉnh giao và 73,7% dự toán thị xã giao và bằng 108,0% so với thực hiện cùng kỳ (thực hiện cùng kỳ năm 2023 đạt 1.309.050 triệu đồng).
Trong hơn 10 năm từ khi cáp treo Fansipan được xây dựng, "thành phố trong sương" từ một điểm đến "trắng" dịch vụ, đã trở thành Khu du lịch Quốc gia, top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.