Chuyến thăm "bất ngờ" được tính toán kỹ lưỡng
Ngày 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Việt Nam. Chuyến thăm không có trước trong lịch trình thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đó, lịch trình công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ chỉ bao gồm 4 nước là Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam phát ra chiều 28/10, chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Nhận định về chuyến thăm "bất ngờ" của Ngoại trưởng Mỹ, Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh về quan hệ quốc tế, Đại học Quốc tế Nhật Bản nhận định, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ cả về thương mại và nhận thức chung về các vấn đề ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và không thể phủ nhận, Việt Nam, bất chấp việc Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Vì vậy, đây là thời điểm hoàn hảo để Ngoại trưởng Pompeo đến thăm Việt Nam.
Cũng theo nhà nghiên cứu từ Đai học Quốc tế Nhật Bản, mục đích chính của chuyến thăm này là nhằm hỗ trợ cho chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Chính quyền Trump đã phát triển một chương trình nghị sự chính sách đối ngoại vững chắc trong khu vự và Tổng thống Trump và nhóm của ông muốn thể hiện với cử tri trong nước rằng chính sách đối ngoại của ông đang có nhiều tiến triển.
Hơn nữa, ông sẽ muốn nhấn mạnh với các đồng minh của mình trong khu vực rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nếu ông tái đắc cử, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho các nước đối tác.
"Vì vậy, tôi cho rằng chuyến thăm "bất ngờ" đã được tính toán kỹ lưỡng", nhà nghiên cứu người Anh nói.
Quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục gắn bó dù ai thắng vào 3/11
Về thời điểm của chuyến thăm diễn ra vào lúc nước Mỹ rất gần với cuộc bầu cử Tổng thống, TS Lê Thu Hường, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) nhận định, thời điểm diễn ra chuyến thăm thực sự thú vị. Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử, Mỹ vẫn giữ quan điểm đối với khu vực. Vì vậy, đây có thể không phải là thời điểm quá tệ, TS Hường nói thêm.
"Tôi cho rằng Việt Nam được bổ sung vào chuyến công du của ông Pompeo - với vị thế là một trong những quốc gia trong khu vực, việc Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam - Chủ tịch ASEAN năm nay, và một đối tác ngày càng quan trọng trong khu vực - Việt Nam là rất hợp lý", bà Hường nói.
Indonesia là quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á, vốn được coi là "anh cả" và có khả năng là một cường quốc tầm trung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với quy mô của nước này. Trong khi đó, Việt Nam là chủ tịch ASEAN, một chủ thể tích cực về mặt ngoại giao và chiến lược. Vì vậy hai điểm đến khá dễ hiểu, chuyên gia cao cấp của ASPI lý giải.
Nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian tiếp theo, Murray Hiebert, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho rằng, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, Việt Nam sẽ tiếp tục là một ưu tiên cao của chính quyền. Nếu ngược lại, chúng ta sẽ phải chờ chính quyền mới thiết lập các ưu tiêu chính sách đối ngoại mới.
Tuy nhiên, TS Chapman lại cho rằng, chuyến thăm này, về cơ bản, cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và hai quốc gia đã trở nên gắn bó như thế nào. Sự gắn bó này đã được thể hiện dưới thời cựu tổng thống Barack Obama và tiếp nối dưới thời Trump, mặc dù thời gian đầu có những lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ giảm vai trò hơn trong khu vực.
"Tôi nghĩ rằng xu thế sẽ tiếp tục bất kể ai là người chiến thắng vào ngày 3/11", ông Chapman nói.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới diễn ra ở Hà Nội ngày 28/10, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, Ann Marie Yastishock đã công bố Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II. Đây là chương trình thực hiện trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD và có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch.
Cùng ngày, tập đoàn Bechtel, General Electric, McDermott của Mỹ đã ký thỏa thuận cùng triển khai thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án nhà máy điện khí hoá lỏng Bạc Liêu.
Phát biểu theo hình thức trực tuyến tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: "Mỹ cam kết hỗ trợ tạo điều kiện cho các đồng minh và đối tác phát triển mạnh mẽ… Chúng tôi luôn sát cánh cùng các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng, tự do và tình hữu nghị của các bên".