Chuyên gia Nguyễn Đình Cung: "Người Việt thích kinh tế thị trường, nhưng cũng sợ thị trường"

Lam Thiên |

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương (CIEM), sau 30 năm đổi mới, sự thiếu dứt khoát, nửa vời khiến nền kinh tế Việt Nam thiếu đi những bước ngoặt cần thiết đuổi kịp các nước thế giới về tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất lao động.

Phát biểu trong Diễn đàn bễn vững Việt Nam 2018 với chủ đề "Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hoà nhập xã hội", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng Việt Nam năm nào cũng đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, nhưng nếu nhìn về dài hạn, cứ mỗi 10 năm lại tạo ra một bước lùi. Xét về giá trị, bước lùi này tương đương mức giảm 1 điểm % về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Cung, việc tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm chỉ khoảng 5% sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng rõ ràng, thay vì đuổi kịp được các nước như kỳ vọng. Để bắt kịp xu hướng tăng trưởng thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Việt Nam cần phải đạt ít nhất 8% liên tục trong vòng 15- 20 năm, với sự hỗ trợ của tốc độ tăng năng suất trung bình ở mức rất thách thức là 7% mỗi năm.

"Chúng ta đã có 30 năm đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng cứ đi nửa vời, không dứt khoát. Việt Nam vừa thích thị trường, vừa ngại thị trường, rất sợ cạnh tranh dù rất muốn cạnh tranh…

Hễ có bất cứ vấn đề nào chúng ta cũng đổ lỗi cho thị trường, từ thực phẩm không an toàn, gian lận doanh nghiệp… mà không nhìn ra hiệu lực quản lý Nhà nước yếu kém và thiếu sự dứt khoát trong thúc đẩy chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Viện trưởng CIEM cho rằng những nghịch lý lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam nằm ở việc không chuyển đổi được thành phần kinh tế khi tỷ lệ kinh tế nhà nước vẫn còn ở mức cao, không gia tăng được kinh tế tư nhân, không chuyển dịch được kinh tế phi chính thức sang chính thức, không chuyển dịch được nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn.

Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước có mức đầu tư lớn, thâm dụng vốn cao nhưng năng suất rất thấp, hiệu quả càng thấp, đầu tư thiên về gia tăng tài sản hơn là vào khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng của tài sản. Ở các vùng kinh tế, Hà Nội và TP HCM không tận dụng được quy mô, mật độ kinh tế để tạo ra những cực tăng trưởng nhằm kéo theo tăng trưởng của cả vùng.

"Kinh tế Việt Nam có mức độ thị trường thấp do hậu quả của cải cách nửa vời, không dứt khoát. Thị trường các yếu tố sản xuất rất kém phát triển, méo mó. Sự méo mó này làm nguồn lực phân bổ sai lệch, sử dụng kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh kém".

Tập trung chỉ ra những thiếu sót của khu vực doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu Viện nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương khẳng định khu vực kinh tế này đang làm xói mòn đi tiềm năng và thịnh vượng quốc gia. Để cải cách khu vực này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần thực hiện trên cả 3 phương diện là áp đặt nguyên tắc thị trờng cho doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao hiệu lực quản trị theo thông lệ quốc tế; sau cùng là thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn

Tuy vậy, theo đánh giá của chuyên gia này, Việt Nam hiện chỉ tập trung vào đầu mục thứ 3, trong khi hai mục đầu tiên quan trọng phải làm ngay để sử dụng được nguồn lực rất lớn trong khu vực nhà nước.

Kiến nghị giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế, tránh nguy cơ trì trệ, tụt hậu, phát triển méo mó, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh việc tạo ra chính sách cạnh tranh quốc gia, trong đó hoàn thiện luật cạnh tranh, thực thi pháp luật cạnh tranh cần đi đôi với loại bỏ rào cản bất hợp lý, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Ngoài ra, vệc xây dựng thị trường các yếu tố sản xuất (như thị trường vốn, thị trường quyền sử dụng đất) theo cơ chế thị trường cũng sẽ góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế nói chung.

"Thị trường quyền sử dụng đất đang ở mức hành chính xin cho, nơi kỹ năng xin được xây dựng hơn kỹ năng kinh doanh, cạnh tranh, doanh nghiệp người ta tìm kiếm địa tô hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Những khó khăn này khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn và không muốn lớn, còn doanh nghiệp Nhà nước thì thiếu đi sự năng động cần thiết".

Kết thúc bài phát biểu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương Nguyễn Đình Cung đúc kết lại quan điểm về cải cách của ông là "không có gì hơn ngoài thị trường, thị trường, thị trường hơn; cạnh tranh, cạnh tranh, cạnh tranh hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại