Chuyên gia: Nguy hiểm cho Anh khi nhắm vào GRU, tình báo quân đội Nga đâu có ngốc!

Thi Anh |

Theo học giả Anh, tình hình rất đáng ngại khi hình ảnh mới về GRU được vẽ nên từ vụ Skripal và người ta xem các đặc vụ Nga không khác nào những gã khờ.

Sáu tháng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở Anh, chi tiết về các nghi phạm mới được tiết lộ. Theo các công tố viên Anh, hai nghi phạm thuộc cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), cũng chính là nơi ông Skripal làm việc trước đây.

Ông Mark Galeotti, học giả thuộc Viện Ngoại vụ Prague tại London cho rằng: Sự tập trung thái quá nhằm vào cơ quan này cũng như những nhận định đang nổi lên về sự vụng về của họ là điều rất nguy hiểm.

Cáo buộc của London

Chi tiết về vụ việc bắt đầu được tiết lộ vào ngày 5/9, khi Neil Basu, phó ủy viên của lực lượng Cảnh sát London, tuyên bố: 2 công dân Nga có tên Alexander Petrov và Ruslan Boshirov là những nghi phạm chính.

Một cuộc điều tra quy mô với hơn 250 thám tử phân tích 1.400 lời khai và rà soát 11.000 tiếng đồng hồ video từ camera giám sát đã cho phép cảnh sát lần theo dấu vết của 2 người đàn ông trong suốt 3 ngày họ lưu lại Anh.

Chuyên gia: Nguy hiểm cho Anh khi nhắm vào GRU, tình báo quân đội Nga đâu có ngốc! - Ảnh 1.

Hình ảnh 2 nghi phạm Alexander Petrov và Ruslan Boshirov. Ảnh: Getty

Cảnh sát Anh cho biết, 2 nghi phạm đáp máy bay từ Moscow tới vào chiều ngày 2/3. Hôm sau, họ ở trong một khách sạn tại London, nơi được cho là địa điểm chuẩn bị chất độc thần kinh Novichok, dùng trong cuộc tấn công.

Hôm 4/3, cảnh sát Anh cho rằng họ đã tới nơi lưu trú của ông Skripal ở Salisbury. Một tiếng rưỡi sau khi tới nơi, bôi Novichok lên nắm đấm cửa nhà ông Skripal và vứt chai nước hoa giả (được cho là dùng để đựng chất độc) tại một công viên gần đó, các nghi phạm lên tàu tới sân bay và trở về Nga.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, hai người đàn ông là các đặc vụ của GRU, nơi bà mô tả là một "cơ quan kỷ luật cao với hệ thống mệnh lệnh ổn định".

Mặc dù bà May không nhắc tới tên Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Galeotti cho rằng rõ ràng hàm ý của bà trong bài phát biểu là ông Putin biết kế hoạch của Petrov và Borishov. "Gần như chắc chắn là kế hoạch đã được thông qua ngoài GRU, ở cấp cao trong nhà nước Nga", bà May nói trước Quốc hội Anh.

Nguy hiểm khi nhắm tới GRU

Vụ việc khiến dư luận quan tâm tới GRU, cơ quan này hoạt động như thế nào, vì sao nó tồn tại. Nhưng dù dễ hiểu, mối quan tâm ấy vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề.

GRU đã bị nhắc tới trong vụ điều tra nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, bị cáo buộc có liên đới tới âm mưu đảo chính ở Montenegro năm 2016 và thậm chí còn bị nghi ngờ trong vụ MH17 dù không hề có bằng chứng nào được đưa ra.

Phản ứng trước âm mưu sát hại Skripal, Anh đã khẳng định sẽ đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào GRU và cam kết "giải tán mạng lưới", đồng thời thực hiện một chiến dịch mạng nhằm vào các mối liên lạc của cơ quan này.

Tuy nhiên, nguy hiểm nằm ở chỗ quá tập trung vào GRU sẽ khiến sự chú ý với các mối đe dọa khác bị loãng đi. Nhằm vào GRU cũng giống như truy lùng Petrov và Borishov: Phát động cả một cuộc chiến để loại trừ một vài nhân tố nhỏ nhặt.

Thậm chí còn đáng ngại hơn khi một hình ảnh mới về GRU được vẽ nên từ sự vụ này và người ta xem các đặc vụ của GRU không khác nào những gã khờ.

Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace còn so sánh vụ việc với một bộ phim hài và cho rằng nó giống Johnny English (phim hài hành động trong đó nhân vật điệp viên thường xuyên mắc sai lầm ngớ ngẩn) hơn là James Bond.

Các tình tiết như Skripal sống sót, sát thủ được cho là đã bị nhận diện và người chết do chất độc là một người không liên quan khiến người ta tin như vậy. Nhưng đó là một sai lầm nghiêm trọng. Có thể nói là Skripal và Yulia, con gái ông ta, đã gặp may. Sự việc có thể đã khác đi rất nhiều.

Nếu gây ra vụ việc, Moscow chắc chắn không ảo tưởng về chuyện các đặc vụ của mình không bị nhận dạng trong thời đại của camera giám sát và hệ thống nhập cảnh gắt gao. "Petrov" và "Boshirov" chắc chắn là những danh tính giả được tạo ra để sử dụng vì mục đích này rồi loại bỏ.

Trang mạng điều tra Fontanka đã đăng tải một số thông tin "hậu trường" về 2 người được cho là nghi phạm như địa chỉ nhà và vé phạt giao thông nhưng thực ra chẳng có gì kết nối nghi phạm vụ Skripal với những thông tin ấy ngoại trừ cái tên.

* Bài viết đăng tải trên trang Foreign Policy, thể hiện quan điểm của học giả người Anh Mark Galeotti thuộc Viện Quan hệ Ngoại giao Prague. 

Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal tại Salisbury, một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng ngoại giao Nga - Anh leo thang đang nóng trở lại sau khi London công bố danh tính của 2 nghi phạm Nga và cho rằng họ xuất thân từ GRU. Phía Nga đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này và yêu cầu Anh hợp tác điều tra vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại