Chuyên gia Nga: M2 Bradley vẫn có thể tiếp tục "ghi công" trước T-90M, nhưng kíp lái Ukraine cần 1 thứ?

Hoài Giang |

Bài viết của chuyên gia Nga Eduard Perov được trang tin Topwar đăng tải ít giờ trước.

M242 Bushmaster của M2 Bradley có "khỏe" không?

Những ngày gần đây các chuyên gia đã bàn nát nước về vụ việc 2 chiếc M2 Bradley của Ukraine vô hiệu hóa 1 chiếc T-90M của Nga bằng pháo tự động M242 Bushmaster.

Suy cho cùng vụ việc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) đối đầu xe chiến đấu bộ binh (IFV) thu hút sự chú ý không chỉ vì đây là hiện tượng hiếm gặp mà còn vì việc chiếc tăng hiện đại bậc nhất của Nga phải chịu lép vế.

Do chiếc T-90M vẫn đang nằm trong "vùng xám" quanh điểm nóng Avdiivka nên những thiệt hại cụ thể của nó sẽ khó được công khai trong thời gian dài sắp tới.

Bất chấp điều này, một số người Ukraine và Phương Tây đang hào hứng về việc khẩu pháo tự động có khả năng xuyên thủng cả giáp MBT. Và đây là lý do tôi (Eduard Perov) sẽ tìm hiểu sâu hơn về năng lực của M242 Bushmaster.

Đầu tiên cần lưu ý rằng về nguyên tắc, pháo tự động không phải là thứ được sinh ra để đối phó với các mục tiêu được bọc thép dày đặc và để cho mục đích này, Bradley đã có sẵn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) loại (BGM-71) TOW.

Bushmaster được người Mỹ đưa lên IFV cho một số loại mục tiêu khác. Chúng bao gồm nhân lực (con người), các hỏa điểm, các tổ săn tăng bằng ATGM và các xe cơ giới không bọc thép. Tất cả những thứ này sẽ bị "thắp sáng" bởi đạn nổ mạnh M792.

Video M2 Bradley vô hiệu hóa T-90M được Lữ đoàn 47 của Ukraine công bố.

Trước các xe cơ giới được bọc thép nhẹ (bao gồm cả IFV), 2 loại đạn xuyên giáp sẽ được sử dụng. Chúng có 2 loại là M791 thứ hiện gần như không còn được sử dụng và M919 tương đối mới và nguy hiểm - thứ đã được sử dụng trên chiếc T-90M.

M791 là loại đạn xuyên giáp tiêu chuẩn cho xe kể từ những năm 1980 và điều đáng nói là nó có những ưu điểm đáng kể so với loại đạn dành cho pháo tự động 30 mm phổ biến của Liên Xô vào thời điểm đó.

Về bản chất, M791 là một thanh xuyên vonfram (tungsten) 7x1,35 cm hình chữ nhật được bao phủ bởi một đầu đạn nhọn làm bằng hợp kim nhôm.

Ngay khi đạn rời nòng, lớp vỏ nhôm sẽ bị tách ra dưới tác dụng của thuốc súng và sức cản của không khí. Vận tốc ban đầu của thanh xuyên là 1.345 m/s không chỉ mang lại tầm bắn lên tới 2 km mà còn có khả năng xuyên giáp tương đối đáng kể.

Nó có thể xuyên qua 25 mm giáp thép cán có độ cứng trung bình ở góc nghiêng 60 độ ở khoảng cách 1,3 km. Và nếu là một tấm thép cán được đặt thẳng - khoảng 60 mm.

Nghĩa là loại đạn này thừa đủ sức xuyên qua giáp của IFV, chứ chưa nói đến xe bọc thép chở quân (BMP) và các loại xe bọc thép mỏng khác.

Chuyên gia Nga: M2 Bradley vẫn có thể tiếp tục "ghi công" trước T-90M, nhưng kíp lái Ukraine cần 1 thứ?- Ảnh 1.

Đạn M791.

Tuy nhiên, M791 không phải là không có khuyết điểm. Trong số đó có thể kể tới việc tốc độ bay giảm rất mạnh ở khoảng cách xa - gián tiếp giảm khả năng xuyên giáp.

Ngoài ra nếu mục tiêu được bảo vệ bởi một lớp giáp bổ sung, nhiều khả năng thanh xuyên vonfram sẽ bị phá hủy sau khi vượt qua chúng và thường không đủ sức xuyên qua lớp giáp chính.

Và đây cũng là lý do M791 bị thay thế bởi M919 vào năm 1993.

M919 được phát triển từ cuối những năm 1980, nó hầu như không gặp phải những vấn đề của người tiền nhiệm mà còn có khả năng xuyên giáp cao hơn - vì thanh xuyên được làm từ hợp kim dựa trên Uranium nghẻo (DU).

DU giúp giảm khả năng thanh xuyên bị gãy vỡ, mang lại khả năng xuyên tốt hơn - kể cả xuyên qua nhiều lớp giáp.

Bản thân thiết kế thanh xuyên cũng được cải tiến. Để tăng động năng và theo đó là khả năng xuyên thấu, thanh xuyên hình trụ của M919 dài gấp 1,5 lần so với M791.

Để bổ sung sự ổn định khi bay, cánh đuôi có thể tháo rời đã được bổ sung cho nó. Kết quả là vận tốc ban đầu của thanh xuyên là 1.385 m/s và tầm bắn hiệu quả là 2,5 km.

M919 cũng xuyên giáp thép tốt hơn nhiều so với M791, nếu được khai hỏa từ khoảng cách một km, nó có thể xuyên thủng tấm thép cán dày 75–78 mm.

Với khoảng cách ngày càng tăng, con số này có giảm nhưng không thảm hại như M791. Ví dụ như từ 2 km, thanh xuyên có khả năng vượt qua 60–65 mm thép cán và từ 3 km là  50–55 mm.

Chuyên gia Nga: M2 Bradley vẫn có thể tiếp tục "ghi công" trước T-90M, nhưng kíp lái Ukraine cần 1 thứ?- Ảnh 2.

Đạn M919.

Với MBT thì chuyện hơi khác

Tất cả những chỉ số nói trên đã biến M919 thành đạn xuyên giáp chính cho pháo tự động Bushmaster trên Bradley. Và nó được coi là một trong những loại đạn mạnh nhất ở cỡ nòng này, cũng như hầu hết các khí tài bọc thép nhẹ đều không thể chống chọi được nó.

Tất nhiên với MBT thì vấn đề hơi khác. Độ dày lớp giáp của chiếc T-72 cũ kỹ nhất cũng vượt xa đáng kể so với bất kỳ IFV nào từng được sản xuất, đặc biệt là phần giáp trước - thực tế là bất khả xâm phạm với cả M791 cũ lẫn M919.

Cụ thể phần giáp này tương đương từ 320–330 đến hơn 600 mm thép cán và có thể chống chịu những loại đạn xuyên giáp lớn gấp 5 lần.

Phần giáp trước tháp pháo hiện tương đương 400–600 mm thép cán (T-90M thậm chí có thể cao hơn). Và ngay cả phần nghiêng thấp phía trước thân xe dày 80 mm thép cán cũng là quá sức đối với Bushmaster của người Mỹ.

Một số ngoại lệ có thể là việc khai hỏa ở tầm cực gần vào một số điểm yếu như khu vực thiết bị chỉ huy và bảo vệ pháo chính của xe tăng, nhưng xác suất bắn trúng là rất nhỏ.

Do vậy nếu ngắm bắn trực diện, loại vũ khí tự động này chỉ có thể gây thiệt hại cho các thiết bị bên ngoài như kính ngắm, kính quan sát, nòng pháo chính, thùng nhiên liệu bên ngoài.

Tuy nhiên vẫn còn hai bên hông và phía sau xe tăng là những nơi có thể bị đạn 25mm bắn trúng.

Và có một ví dụ về một chiếc MBT từng bị pháo tự động của Bradley vô hiệu hóa và chúng ta đang nói về M1 Abrams của Mỹ. Sự cố này xảy ra ở Iraq, khi chiếc xe tăng và bị trúng nhiều phát đạn vào sau xe làm hỏng máy phát điện.

Chuyên gia Nga: M2 Bradley vẫn có thể tiếp tục "ghi công" trước T-90M, nhưng kíp lái Ukraine cần 1 thứ?- Ảnh 3.

Vụ việc hi hữu khi đạn 25 mm gây thiệt hại cho M1 Abrams.

Xe tăng kiểu Liên Xô được cả hai bên sử dụng tích cực ở Ukraine có rất ít điểm chung với M1 Abrams, tuy nhiên tấm giáp phía sau dày 45 mm khó có thể gọi là trở ngại đối với đạn DU.

Nhưng khả năng xuyên thủng phần sau xe tăng rõ ràng không thể đủ để gọi là chống tăng.

Điều đáng nhắc lại ở đây là độ dày tối đa của các cạnh thân xe của "bảy mươi hai" (T-72), "tám mươi" (T-80) và "sáu mươi tư" (T-64) trung bình là 80 mm và hơi xòe ra ở phần bên (gần đuôi) và phần phía sau của tháp pháo.

Và chúng ta vẫn chưa tính đến các bộ phận bánh xích, giáp phẩn ứng nổ (ERA) cũng như các phụ tùng đính kèm khác. Tất cả điều này đóng vai trò như một lớp giáp bổ sung, làm giảm khả năng xuyên của đạn và làm phức tạp đáng kể việc vô hiệu hóa xe tăng.

Có thể kết luận rằng khả năng đạn 25 mm của Bradley sẽ xuyên qua một số điểm yếu trên MBT kiểu Liên Xô nhưng chỉ trong một điều kiện tối ưu nhất đó là khoảng cách tối thiểu có thể (dưới 1 km).

Các kíp lái Bradley sẽ phải bí mật tiếp cận xe tăng ở khoảng cách cực gần và bắn vào các khu vực nhạy cảm. Và sự việc xảy ra với T-90M đã khẳng định nhận định trên.

Khi bị bắn ở tầm bắn của súng ngắn, chiếc xe tăng Nga đã lao tới "Valhalla thép" (thiên đường cho các chiến binh Bắc Âu), nhưng mặt khác có thể nói kíp lái Bradley đã thực hiện một hành động cảm tử.

Một góc nhìn khác vụ T-90M bị M2 Bradley vô hiệu hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại