Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên phóng tên lửa nhắc Abe suy nghĩ kỹ trước khi làm thân với Trump

Thi Anh |

Thông điệp của Triều Tiên không nhằm vào Trump hay Hàn Quốc, mà là Abe và Nhật Bản.

CNN dẫn nguồn tin chuyên gia cho rằng, ông Abe và Nhật Bản nhiều khả năng chính là đối tượng mà Triều Tiên nhắm tới khi thực hiện vụ phóng tên lửa mới đây.

"Rõ ràng động thái này là nhằm thẳng vào Nhật Bản", Carl Schuster, giáo sư Đại học Thái Bình Dương Hawaii, đồng thời là cựu giám đốc của Trung tâm Tình báo liên quân thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhận định.

Mặc dù Hàn Quốc rất lo ngại về những tiến triển mà Bình Nhưỡng đạt được trong chương trình hạt nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng giọng điệu của Triều Tiên đã có phần mềm mỏng và bớt thù địch hơn kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội.

"Trong tháng qua, họ rất cẩn trọng, không để xảy ra những việc có thể kích động Hàn Quốc", cựu đại sứ Mỹ Christopher Hill nhận định, "Thông thường, khi Triều Tiên gây hấn kiểu như thế này, phe cứng rắn hơn (ở Hàn Quốc) sẽ được lợi".

Mỗi cuộc thử nghiệm quân sự của Triều Tiên đều bao gồm hai yếu tố: kỹ thuật và chính trị. Dù thử nghiệm thất bại, có rất nhiều thứ người Triều Tiên có thể học hỏi được từ hoạt động này. Trong khi đó, khía cạnh chính trị lại bao hàm cả tác động trong nước lẫn nước ngoài.

"Khả năng họ làm việc này vì mục đích chính trị cao không kém mục đích quân sự", ông Schuster nói, "Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ khi Trump nhậm chức và chỉ 10 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis hứa với Nhật Bản và Hàn Quốc rằng sẽ chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên".

Về loại tên lửa mà Triều Tiên vừa thử, ông Schuster cho rằng, nếu đó là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) thì khoảng cách phóng cho thấy, đây là một thất bại về mặt kỹ thuật, nhưng không phải về mặt địa chính trị.

"Nhiều khả năng tên lửa IRBM mà họ muốn thử nghiệm chưa sẵn sàng, thế nên họ đã phóng thứ hiện có trong tay. Mục đích chính trị vẫn vậy, chỉ có thử nghiệm kỹ thuật là không được như kỳ vọng của họ".

Nhật Bản và Triều Tiên hiện không thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng trong những năm gần đây quá trình bình thường hóa đã đạt được một số tiến triển nhất định.

Một trong những rào cản lớn nhất giữa hai bên là những vụ bắt cóc công dân Nhật do phía Triều Tiên thực hiện hồi những năm 70, 80 của thế kỷ 20.

Bình Nhưỡng đã thừa nhận và xin lỗi về vụ việc này nhưng lại chưa đưa ra lời giải thích có thể khiến Nhật Bản chấp nhận. Tokyo đã tuyên bố, quan hệ ngoại giao sẽ không thể khôi phục chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết.

Sự thù địch của Triều Tiên đối với Nhật Bản bắt nguồn từ quan hệ của nước này đối với Mỹ và Hàn Quốc - đất nước mà Tokyo coi là "láng giềng quan trọng nhất".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại