Xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ, ngày 3/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, Tiến sĩ Fauci cho biết "Omicron lây lan thuận lợi" ở Nam Phi, lưu ý rằng nước này có tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối thấp trước khi chứng kiến số ca nhiễm "gần như tăng với biểu đồ thẳng đứng, hầu hết là các ca nhiễm biến thể Omicron". Theo ông, dù còn quá sớm để đưa ra một tuyên bố chắc chắn về vấn đề này, song đến nay, mức độ nghiêm trọng của Omicron "có vẻ không cao" và "đây là các tín hiệu có đôi chút khích lệ". Ngoài ra, Tiến sĩ Fauci cho biết dù biến thể Omicron đã lây lan tới khoảng 16 bang của Mỹ, song biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo ở nước này. Ông cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với hành khách đến từ các nước ở khu vực Nam châu Phi "trong khoảng thời gian phù hợp".
Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết mặc dù hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận tại Mỹ, song biến thể Delta vẫn chiếm 99,9% số ca nhiễm mới ở nước này.
Theo thống kê của hãng tin Reuters, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày trung bình trong 7 ngày tại Mỹ là 119.000 ca. Mỗi ngày, nước Mỹ có gần 1.300 người tử vong vì COVID-19. Ít nhất 16 bang tại Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron gồm California, Colorado, Connecticut, Hawaii, Louisiana, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Missouri, Nebraska, New Jersey, New York, Pennsylvania, Utah, Washington và Wisconsin. Nhiều ca nhiễm là người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, với triệu chứng nhẹ.
Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại. Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm biến thể này, làm gia tăng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh Omicron. Một số người cho rằng biến thể này có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine. Số khác nhận định mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron đang bị thổi phồng.