Mỹ và các quốc gia ở khu vực Tây Âu chiếm khoảng 75% trong tổng số hơn 3,8 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Trong khi đó, con số này ở Đông Á - nơi dịch COVID-19 khởi phát, và Đông Nam Á chỉ là 6,6%, mặc dù hai khu vực này chiếm tới 30% dân số thế giới.
Nhiều quốc gia ở châu Á có những điểm chung mà theo các chuyên gia là có thể giúp họ kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó phải kể đến xu hướng phản ứng nhanh hơn ngay khi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm của dịch bệnh, và tỷ lệ người dân ủng hộ các biện pháp kiểm soát xã hội để phòng dịch cao hơn.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế tại Đại học Oxford, ông Guy Thwaites, nhấn mạnh: "Hành động nhanh. Đó là bài học lớn nhất". Ông cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một số nước ở châu Á đã lập tức tiến hành phong tỏa hoặc tiến hành truy vết những trường hợp từng tiếp xúc với các ca bệnh. Việc truy vết rất khó áp dụng ở các quốc gia phương Tây.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Á khác thì chú trọng vào công tác xét nghiệm và cách ly, khoanh vùng để ngăn chặn sự lây nhiễm ra cộng đồng. Đáng chú ý, hầu hết các nước châu Á đã chuẩn bị các kế hoạch dự phòng từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, và người dân nhận thức rõ nguy cơ của dịch bệnh với các bài học rút ra từ các đợt dịch trong quá khứ như cúm gia cầm, H1N1 và SARS.
Trong khi đó, chuyên gia Ali H.Mokdad - Giáo sư Khoa học thống kê tại Đại học Washington và từng công tác tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho rằng những nước kiểm soát tốt dịch bệnh thường có sự cảnh giác cao và không đánh giá thấp nguy cơ của dịch bệnh.
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến nay, tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận trên 3,8 triệu ca mắc COVID-19 và 265.000 ca tử vong. Mỹ là tâm dịch của thế giới, tiếp đến là các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Anh, Pháp, Đức... Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á đang dần nới lỏng các hạn chế trong bối cảnh số ca mắc mới có chiều hướng giảm mạnh.