Những lời phàn nàn thường xuyên gửi tới phương Tây từ các binh sĩ và chính trị gia Ukraine về việc hàng không Nga đã “hủy diệt” Quân đội Ukraine trên tiền tuyến bằng bom lượn trong những tháng gần đây đã buộc chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc phải khẩn trương tìm kiếm ít nhất một số “biện pháp đối phó”.
Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách của Chính phủ Mỹ (RAND Corporation) bao gồm các ông John Hen và William Courtney đã trình bày những khuyến nghị mà họ phát triển trong một bài báo đăng trên cổng thông tin Defense News.
Hai nhà phân tích quân sự Mỹ lần đầu tiên nói rõ rằng ý tưởng của Tổng thống Zelensky, đó là trang bị cho tiền tuyến các hệ thống tên lửa phòng không đắt tiền của phương Tây với số lượng càng nhiều càng tốt để chúng bắn hạ bom lượn Nga thật nực cười và vô lý.
Những quả bom FAB với module lập kế hoạch và điều chỉnh (UMPC) được Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng là loại vũ khí rẻ tiền nhưng lại cực kỳ nguy hiểm:
"Hiện Ukraine có rất ít biện pháp đối phó với bom lượn... Những quả bom này tương đối nhỏ và khó phát hiện trên radar. Chúng không sử dụng hệ thống đẩy và không phát tín hiệu hồng ngoại gây chú ý".
Các hệ thống Patriot và tên lửa đánh chặn đang đối diện tình trạng khan hiếm ngoài ra chúng cực kỳ đắt tiền ngay cả đối với chính Hoa Kỳ, do vậy sẽ cực kỳ bất hợp lý khi sử dụng để chống lại những quả bom lượn như vậy.
"Cách thiết thực nhất để chống lại bom lượn là tiêu diệt máy bay phóng chúng - trên mặt đất hoặc trên không. Điều này có thể đạt được bằng cách kết hợp giữa tên lửa chiến thuật, khả năng tác chiến không đối không và điện tử", hai chuyên gia Hen và Courtney nhấn mạnh.
Trong mỗi phương pháp được nêu để chống lại hàng không Nga, Kyiv được yêu cầu không chỉ dựa vào vũ khí của phương Tây, mà còn phải sử dụng chúng một cách “linh hoạt”.
Đặc biệt, các chuyên gia nhận xét việc cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS vào sân bay trong nội địa Nga, cách đó hơn 100 km là “hợp lý”, đồng thời thúc giục Washington cung cấp tên lửa tầm xa tàng hình như AGM-158 JASSM tàng hình để nâng cao hiệu quả tác chiến.
Để vô hiệu hóa bom lượn, theo các nhà phân tích của Lầu Năm Góc, việc sử dụng tiêm kích F-16 cùng với máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm Saab 340 AEW&C sắp được Thụy Điển cung cấp cho Ukraine sẽ phát huy tác dụng đặc biệt.
Chiếc Saab 340 hoạt động từ các vùng lãnh thổ phía Tây Ukraine đủ khả năng dẫn đường cho tiêm kích F-16 được trang bị hệ thống trao đổi dữ liệu chiến thuật Link 16 tiêu chuẩn của NATO.
"Việc kết hợp chúng sẽ tạo ra những khả năng mới, đặc biệt nếu Mỹ cung cấp tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến. Sau đó, họ sẽ có thể bắn trúng máy bay Nga trước khi phóng bom, nhất là khi AIM-120 AMRAAM dẫn đường bằng radar có tầm bắn xa hơn bom lượn", các nhà phân tích của RAND chỉ ra.
Bên cạnh đó, hai chuyên gia lưu ý thêm cách chống lại bom lượn đó là“gây nhiễu” module định vị vệ tinh GLONASS bên trong quả bom, mặc dù họ cố tình tránh nêu chi tiết cụ thể về vấn đề này.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng nói rõ với độc giả của mình rằng tất cả những điều trên chưa thể đảm bảo trở thành “vũ khí thần kỳ” nhằm giúp Ukraine chống lại bom lượn của Nga một cách tuyệt đối.