Chuyên gia lý giải nguyên nhân Nga trở thành mục tiêu tấn công của IS

Vũ Thanh |

Với hệ thống an ninh và quốc phòng của Nga tập trung chủ yếu vào cuộc chiến ở Ukraine, các nhóm cực đoan như IS dường như đã phát hiện ra cơ hội để quay trở lại và lên kế hoạch thực hiện tấn công khủng bố trong khi Điện Kremlin đang bị phân tâm.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân Nga trở thành mục tiêu tấn công của IS- Ảnh 1.

Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva, Nga cháy rụi sau vụ tấn công khủng bố, ngày 23/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ vài giờ sau khi các tay súng tấn công khủng bố nhằm vào nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva (Moscow) của Nga vào tối 22/3, nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) nhận trách nhiệm. IS nói rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi chi nhánh của chúng ở Afghanistan, được gọi là IS-K. Đây chính là nhóm đứng sau vụ đánh bom kép ở Iran hồi tháng 1 vừa qua khiến 94 người thiệt mạng.

Luke Coffey, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, nói với tờ Arab News: “IS-K có lịch sử tấn công các mục tiêu của Nga. Ví dụ, IS-K đứng sau vụ tấn công vào đại sứ quán Nga ở Kabul vào tháng 9/2022. Ngoài ra, IS-K có lẽ không hài lòng với mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Moskva và Taliban”.

Được thành lập vào năm 2015 bởi các cựu thành viên Taliban ở Pakistan và đang tìm kiếm các phương pháp bạo lực hơn để truyền bá Hồi giáo cực đoan, IS-K chủ yếu hoạt động tại những nơi khó kiểm soát ở vùng nông thôn Afghanistan.

IS-K cũng đã thu hút sự chú ý toàn cầu vào tháng 8/2021, trong bối cảnh hỗn loạn khi Taliban trở lại nắm quyền và các thành viên của nhóm này đã tiến hành vụ đánh bom sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, khiến  hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ.

Các chiến dịch của Mỹ đã làm giảm đáng kể quy mô và số lượng của IS-K, nhưng sau khi phương Tây rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, nhóm này đã hồi sinh và phát triển. Taliban hiện đang tiến hành các chiến dịch chống IS-K vì nhóm này đe dọa quyền cai trị của họ.

IS và các chi nhánh của chúng trước đây đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công ngẫu nhiên mà chúng không trực tiếp nhúng tay vào, dẫn đến một số hoài nghi ban đầu về vai trò của nhóm trong vụ tấn công ở Nga. Tuy nhiên, tình báo Mỹ sau đó đã xác nhận tính xác thực của tuyên bố này.

Trên thực tế, Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho công dân của mình ở Nga ngay từ ngày 7/3, nhấn mạnh “các báo cáo cho thấy những kẻ cực đoan có kế hoạch nhắm mục tiêu vào các cuộc tụ tập lớn ở Moskva, bao gồm cả các buổi hòa nhạc”.

Cùng ngày Đại sứ quán Mỹ tại Nga đưa ra cảnh báo trên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tại Trung Đông - CENTCOM - Tướng Michael Kurilla, nói trong một cuộc giao ban rằng nguy cơ các cuộc tấn công xuất phát từ Afghanistan đang gia tăng.

Dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Kurilla nói: “Tôi đánh giá IS-K vẫn có khả năng và mục tiêu tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài trong vòng sáu tháng mà không có hoặc có rất ít cảnh báo”.

Theo Tướng Kurilla, IS hiện đang mạnh lên không chỉ ở Afghanistan mà còn ở bên ngoài nước này. Hiện IS có khả năng thực hiện các cuộc tấn công ở châu Âu và châu Á, với các chiến binh được bố trí dọc biên giới với Tajikistan.

Với hệ thống an ninh và quốc phòng của Nga tập trung chủ yếu vào cuộc chiến ở Ukraine, các nhóm cực đoan như IS dường như đã phát hiện ra cơ hội để quay trở lại và lên kế hoạch thực hiện tấn công khủng bố trong khi Điện Kremlin đang bị phân tâm.

Chuyên gia Coffey nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng IS đang lợi dụng sự chú ý của Nga ở Ukraine. Hơn hai năm sau cuộc xung đột, giao tranh ở Ukraine có lẽ hiện đang thu hút phần lớn sự tập trung và nguồn lực của các cơ quan an ninh, tình báo, lực lượng vũ trang và thậm chí cả cơ quan thực thi pháp luật Nga. IS có thể đã nhìn thấy cơ hội tấn công trong bối cảnh như vậy".

Về phần mình Hani Nasira, nhà phân tích chính trị và chuyên gia về khủng bố và các tổ chức cực đoan, đồng tình với quan điểm trên rằng xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các cuộc tấn công bất ngờ vào một nơi đang bị phân tâm.

“Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, IS-K đã tăng số lượng chiến binh tham gia cuộc chiến bằng cách di chuyển từ trung tâm hoạt động ban đầu ở Syria về nước xuất xứ của họ để tái khởi động các hoạt động ở Bắc Caucasus và các nước Trung Á, chẳng hạn như như Uzbekistan và Tajikistan”, nhà phân tích Nasira nói với tờ Arab News.

Trong hai thập kỷ qua, Nga đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm cực đoan nhiều lần - vụ khủng bố tại nhà hát Nord Ost năm 2002 và vụ thảm sát Beslan năm 2004 là những vụ tấn công nổi bật nhất của chúng. Tóm lại, chừng nào Nga còn bị chi phối bởi cuộc xung đột ở Ukraine, Moskva có thể gặp thách thức để chống lại các cuộc tấn công tiếp theo của các nhóm cực đoan ngày càng táo bạo đang nổi lên từ nhiều khu vực bất ổn khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại