Trong một bộ các bản tóm tắt về chính sách mà trung tâm nghiên cứu Brookings đưa ra trong tháng này, tác giả Sergey Aleksashenko lập luận rằng, nếu phương Tây nới lỏng các lệnh hạn chế với dòng vốn chảy ra nước ngoài của Nga, đồng Rúp sẽ mất và khiến lạm phát ở Nga tăng lên.
Cựu phó Thống đốc NHTW cho biết: “Việc người dân Nga chuyển tiền nhiều ra nước ngoài hơn sẽ khiến đồng Rúp hạ giá, hàng hoá nhập khẩu đắt đỏ hơn và điều này sẽ tạo áp lực cho bảng cân đối kế toán của NHTW Nga.”
Các biện pháp trừng phạt hiện tại chủ yếu tập trung vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga, trong khi kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Aleksashenko chỉ ra, khoảng 60% hàng tiêu dùng không phải thực phẩm của Nga đến từ thị trường nước ngoài và sản phẩm là thực phẩm chiếm khoảng 1/4.
Theo Aleksashenko, nếu các lệnh trừng phạt nhắm đến lĩnh vực nhập khẩu, giá hàng hoá của Nga sẽ tăng lên. Trong khi đó, đồng Rúp không rớt giá mạnh do dòng vốn chảy ra khỏi Nga bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt. Khi Nga bị đóng băng kho dự trữ ngoại hối, nhu cầu trong nước đã hỗ trợ sự ổn định của đồng Rúp.
Aleksashenko lưu ý rủi ro sẽ xảy ra nếu các ngân hàng phương Tây cho phép các hộ gia đình Nga tham gia vào hoạt động thanh toán xuyên biên giới và nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt với các tổ chức như Sở giao dịch chứng khoán St. Petersburg và Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia.
Ông nói: “Nếu 100.000 người Nga, hoặc các doanh nghiệp nhỏ, chuyển 10.000 USD ra khỏi Nga mỗi tháng bằng các kênh khác nhau thì tổng dòng vốn chảy ra khỏi Nga sẽ lên tới 12 tỷ USD trong 1 năm. Số tiền này tương đương với mức giảm 6,80 USD/thùng dầu thô xuất khẩu hàng năm từ Nga.”
Kể từ sau khi khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra, phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế hơn đối với Nga, bao gồm cả việc mở rộng lệnh trừng phạt vào tháng 6. Những lệnh hạn chế này nhắm đến các thực thể như Sàn giao dịch Moscow. Song, Nga cũng đáp trả bằng cách ngừng giao dịch bằng đồng USD và euro.