Các trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng bệnh có thể là một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Đây là nhận định của ông Trương Hồng Đào (Zhang Hongtao), Phó giáo sư Trung Quốc của Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ.
Theo ông Trương Hồng Đào, người bệnh sau khi mắc Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) thường xuất hiện triệu chứng khá nhanh và tương đối điển đình, nên được kiểm soát và cách ly ngay thời kỳ đầu phát bệnh.
Ông lấy ví dụ, nếu trên một chuyến bay có bệnh nhân nhiễm các chứng bệnh trên, ai đó bị lây thì ngay khi còn trên máy bay hoặc vừa xuống máy bay lập tức bắt đầu sốt, như vậy có thể kiểm soát và cách ly ngay, giúp hạn chế sự lan truyền của virus.
Trong khi đó, với SARS-CoV-2, người bệnh sau khi nhiễm virus chưa kịp có triệu chứng đã trở thành nguồn lây bệnh. Rất hiếm trường hợp nào sau khi nhiễm virus được phát hiện ngay. Loại virus này có tới trên 3 ngày ủ bệnh, do vậy chuyên gia này cho rằng, "một trong những nguyên nhân chính khiến Covid-19 bùng phát toàn cầu có thể là do sự lây nhiễm không triệu chứng của SARS-CoV-2".
Theo ông, sự di chuyển của con người càng lớn, các loại bệnh truyền nhiễm sẽ bùng phát càng nhanh và có khả năng nhanh chóng lây ra toàn cầu. Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng ảnh hưởng tới phạm vi hoạt động của các loài sinh vật. Sự thay đổi nhiệt độ có thể đã tác động tới môi trường sống của dơi, làm chúng thay đổi nơi cư trú. Đây là điều đáng được nghiên cứu thảo luận.
Chỉ trong vòng chưa tới 17 năm đã có tới 3 loại virus corona gây bệnh xuất hiện, gồm SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2, trong khi khoảng cách giữa SARS-CoV với MERS-CoV là 10 năm, còn MERS-CoV và SARS-CoV-2 chỉ có 6 năm, thời gian ngày càng rút ngắn, do vậy chuyên gia này cho rằng, việc xuất hiện những loại virus mới, cũng như việc con người phải sống chung với virus và vi khuẩn là điều không thể tránh khỏi./.