Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online

Bình Minh - Ngọc Ly / Thiết kế: Hải An |

“Được cái này thì mất cái kia, chúng ta tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh doanh online tăng lên kéo theo nhu cầu mặt bằng phải giảm”, TS. Đinh Thế Hiển cho biết.

Những tháng cuối năm 2023, làn sóng trả mặt bằng diễn ra mạnh mẽ ở TP HCM. Các khu vực vốn nổi tiếng đông đúc, kinh doanh sầm uất tại quận 1, quận 3, Bình Thạnh – Gò Vấp,... nay xuất hiện không ít những cửa hàng bỏ trống, treo biển hiệu cho thuê hoặc sang nhượng.

Một đoạn đường ngắn tại phường 13, quận Bình Thạnh có tới 10 mặt bằng treo biển cho thuê. Hay như khu vực Gò Vấp – Bình Thạnh luôn được coi là khu vực kinh doanh rất ổn định của TP. HCM nhờ dân cư đông đúc và sự đa dạng từ quán ăn, nhà hàng cho đến những sản phẩm, dịch vụ này cũng gặp phải hiện tượng trả lại mặt bằng. Hàng loạt cửa hàng với giá thuê 20-60 triệu đồng/tháng tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp giờ bị bỏ trống.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 1.

Không khó để nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả khiến làn sóng trả mặt bằng lan rộng. Giải thích rõ hơn về tình trạng này, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, kinh tế thế giới vào giai đoạn khó khăn đã tác động rất mạnh vào kinh tế nội địa, dẫn đến hàng loạt công ty không có đơn hàng, lao động bị cắt giảm liên tục.

Hiện tượng này dẫn đến một nhóm người lao động ở đây lựa chọn về quê, số khác chọn cắt giảm tiêu dùng khiến việc kinh doanh của nhiều cửa hàng gặp khó. Ngoài ra, ông Hiển lấy ví dụ tại khu vực có các cửa hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài như quận 1 và 3 đã giảm đi một lượng khách đáng kể bởi dòng khách quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Thực tế, làn sóng trả mặt bằng không chỉ xảy ra ở TP. HCM mà xuất hiện ngay cả ở Hà Nội. Tuy nhiên, TP. HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, là nơi giao thương và kết nối các vùng việc làm… nên bị tác động mạnh hơn Hà Nội và các tỉnh, thành khác.

Ngoài ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, việc đứt gãy chuỗi cung ứng kinh doanh của TP. HCM và các tỉnh lân cận từ đợt giãn cách năm 2021 đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn; trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước không bị một đợt giãn cách nặng như TP. HCM khiến cho trung tâm kinh tế phía Nam ảnh hưởng nặng nề hơn các tỉnh thành khác.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 2.

Hơn nữa, những người khá giả ở TP. HCM, với sức mua sản phẩm, dịch vụ trung và cao cấp đang phải lo chống đỡ các khoản nợ vay bất động sản nên không có tinh thần và năng lực để tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ như ở 2 quận này.

Trước tình hình như vậy, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, nếu nguyên nhân chỉ từ suy thoái thế giới, cách giải quyết tương đối đơn giản. Bởi kỳ vọng đến năm 2024, khi các đơn hàng tăng trở lại, xuất khẩu khởi sắc thì kinh tế thành phố sẽ phục hồi theo.

Nhưng cùng với đó, dưới tác động của lĩnh vực bất động sản tới tầng lớp trung lưu của TP. HCM, TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm: “Nếu vấn đề của lĩnh vực bất động sản được giải quyết trong 2024 thì dòng kinh doanh thương mại sẽ phục hồi tốt hơn, nếu không thì khó khăn của TP. HCM chỉ giải quyết được một phần”.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 3.

Cũng theo vị chuyên gia này, lý do khác tác động đến việc trả lại mặt bằng đến làn sóng kinh doanh online, đặc biệt ở lớp trẻ. Vì vậy, “nhu cầu mặt bằng ở những vị trí đẹp dần giảm đi và người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng khuất hơn, rẻ hơn và kết hợp kinh doanh online để tồn tại trong thời đại số”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thực tế, làn sóng kinh doanh online đã được dự báo từ trước. Cách đây 5-7 năm, nhiều chuyên gia cho biết các mặt bằng nhà phố sẽ không còn là nơi dễ dàng trong kinh doanh.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 4.

Nhưng kinh doanh online thì ngược lại. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 làm tê liệt gần như toàn bộ nền kinh tế cả nước, kinh doanh online Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ lên đến 30% mỗi năm trong giai đoạn từ 2016-2020.

Thị trường này cũng đón chào thêm 40% khách hàng mới lần đầu mua sắm trực tuyến và doanh thu vượt 15 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2022, số lượng người Việt Nam mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Riêng tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD, thống kê từ VECOM và Statista.

Ngoài ra, các kênh bán hàng online trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, TikTok Shop, với hình thức bán hàng nổi bật như Livestream và Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), đã mang đến hệ sinh thái toàn diện. Điều này giúp nhiều thương hiệu, doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các nhà sáng tạo nội dung để tìm ra hướng đi phù hợp, cải thiện kết quả kinh doanh và tạo cơ hội tăng trưởng. Cộng đồng nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung có sự mở rộng về quy mô và đang định hình xu hướng phát triển mới với mức tăng trưởng lần lượt là 210% và 330%.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhưng số nhà bán hàng trên thị trường đã tăng gấp đôi và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Những con số này chứng minh, kinh doanh online là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi và phát triển. Cộng hưởng với điều đó, việc nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn mở ra liên tục cũng sẽ dẫn đến hiện tượng mặt bằng bị trả lại nhiều.

“Được cái này thì mất cái kia, chúng ta tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh doanh online tăng lên kéo theo nhu cầu mặt bằng phải giảm, đây là chuyện hết sức bình thường.” TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 5.

Đi kèm với hiện tượng mặt bằng bị trả lại, giá thuê cũng sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới. TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ, trước đây kinh doanh ở những vị trí mặt tiền rất thuận lợi, nhưng giao thông ngày càng đông đúc, khi đi mua hàng hóa chúng ta phải dừng lại ở những con đường tấp nập như con đường Phạm Văn Đồng ở TP. HCM, điều này có còn thuận lợi? Hay các vấn đề về quản lý, siết chặt nồng độ cồn khi lái xe, buôn bán vỉa hè,... cũng là những nhân tố nhỏ khiến cho các mặt bằng không còn thuê được giá như trước đây.

Hiện nay, giá thuê mặt bằng ở nhiều tuyến phố lớn tại TP. HCM có giá dao động từ 20-800 triệu đồng/tháng, mức giá này dường như trở thành gánh nặng cho nhiều cửa hàng trước bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đơn cử một mặt bằng tại Lê Lợi, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM đang treo biển cho thuê 350 triệu đồng/tháng. Hay một mặt bằng 2 mặt tiền khác tại đây treo băng rôn cho thuê – hợp tác kinh doanh với mức giá lên tới 720 triệu đồng/tháng.

 Chuyên gia: Làn sóng trả mặt bằng lan rộng là xu thế tất yếu của thời đại kinh doanh online  - Ảnh 6.

Theo vị chuyên gia, với xu thế dịch chuyển sang kinh doanh online, những mức giá cho thuê mặt bằng như trên sẽ khó duy trì trong tương lai. TS. Đinh Thế Hiển gọi đây là một kiểu suy giảm kinh tế kinh doanh mặt bằng. “Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, kinh tế online, kinh tế số phát triển, nhiều việc làm tạo ra trong lĩnh vực không cần phải dùng mặt bằng nhiều hơn. Điều này tạo ra sự bù đắp cho nền kinh tế”, vị này khẳng định.

Nói tóm lại, sự thay đổi của nền kinh tế tạo ra sự bù trừ nên không thể nào ổn thỏa được tất cả. Cuối cùng, thị trường mặt bằng cũng sẽ phục hồi theo nền kinh tế nhưng giá cả sẽ không được như trước. Bởi nhu cầu không còn nhiều để mọi người chấp nhận trả giá quá cao, trong khi có những lựa chọn khác trong kinh doanh phù hợp với thời cuộc hơn như chuyển sang kinh doanh online. “Những sự thay đổi này là xu thế tất yếu, không thể nào phát triển theo xu thế mới mà vẫn còn những giá trị cũ”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại