Trong năm 2018, một trong những chi phí giảm mạnh nhất là thuế nhập khẩu giảm về 0%, dành cho những xe sản xuất tại khu vực ASEAN đạt tiêu chuẩn nội địa hóa liên khối 40% trở lên. Với mức thuế này, nhiều người kỳ vọng sẽ mua được xe giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018", chuyên gia kinh tế- PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng "Việt Nam đừng bao giờ mơ được hưởng giá xe rẻ có chăng là mơ được hưởng một giá xe hợp lý. Nhưng đó là viễn cảnh rất xa xôi".
Giải thích cho quan điểm của mình, ông cho rằng Nghị định 116 về sản xuất lắp ráp, bảo hành bảo dưỡng ôtô tạo ra rào cản đối với nhập khẩu mặt hàng này.
Theo Nghị định, một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam phải đủ 2 điều kiện. Một là, có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Hai là, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp có quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất để thực hiện lệnh triệu hồi.
Chuyên gia kinh tế- PGS. TS Ngô Trí Long
Trong bối cảnh hiện nay, thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố trong cấu thành giá, ngoài thuế nhập khẩu vẫn còn nhiều loại thuế khác. Khi các thuế nhập khẩu giảm, các loại thuế khác chắc chắn phải được điều chỉnh. Bên cạnh đó, các loại lệ phí khác cũng chắc chắn không giảm.
Ngoài ra, nguồn cung ứng ôtô hiện nay vẫn là chủ yếu lắp ráp và nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí lắp ráp xe trong nước hiện nay vẫn còn cao hơn so với khu vực 20% và chúng ta cũng mới chỉ làm những công đoạn nhất định.
Tỷ lệ nội địa hóa của xe vẫn còn thấp mặc dù Việt Nam có rất nhiều chiến lược để nâng tỷ lệ này nhưng thực thi không được là bao.
Cụ thể, mục tiêu tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Vì vậy với nghị định 116, "khe cửa" để nhập khẩu ôtô vẫn còn hẹp.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại được chỉ ra là do quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia.
Trong khi đó ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa vào lợi thế quy mô. Số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường.
Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa.
"Khi những điều kiện nhập khẩu quá chặt chẽ kéo theo lượng ôtô vào Việt Nam hạn chế, trong khi chất lượng lắp ráp sản xuất trong nước không cao và chưa nội địa hóa được nhiều, chắc chắn không có chuyện giá xe sẽ rẻ", ông Long nhận định.
Đầu năm 2018, nhiều hãng ôtô có xu hướng giảm giá xe từ 10-80 triệu đồng. Mặc dù không giảm sâu như thời điểm điểm cuối năm 2017 nhưng động thái này khiến nhiều người tiêu dùng kỳ vọng vào cơ hội sớm sở hữu ôtô.
Tuy nhiên, giải thích vấn đề này, ông Long cho rằng chúng ta cần đánh giá tác động dài hạn thay vì ngắn hạn. Thời gian đầu năm, nhu cầu mua ôtô người dân cao nhằm phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp lễ Tết Nguyên Đán.
Vì vậy, các hãng thường tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng trong dài hạn, nếu chúng ta không thực thi chiến lược ôtô một cách hiệu quả, năng lực sản xuất trong nước không cao thì khó có thể giảm giá thành ôtô.