"Tôi không dám xem lại video lần thứ 2, quá đáng sợ, tôi rùng mình và phẫn nộ", thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) chia sẻ khi xem cảnh học sinh cấp 2 Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ép cô giáo vào góc lớp, chửi bới.
Ông Cường không tưởng tượng được trong thời đại giáo dục hiện nay lại xảy ra sự việc học sinh hành hung chính cô giáo mình. Đây là câu chuyện buồn cho nhà trường, giáo viên, cha mẹ, thậm chí địa phương nơi những em học sinh này sinh sống.
"Cho dù lý do là gì thì việc học sinh hành hung, chửi bới giáo viên, người dạy cho mình tri thức đều không thể chấp nhận được", thầy giáo nói và khẳng định sự việc này phải được xử lý nghiêm khắc, chấm dứt ngay lập tức. Không để những hành vi này tồn tại trong môi trường giáo dục, nhất là ở Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời.
Hình ảnh nhóm học sinh dồn nữ giáo viên vào góc tường, liên tục xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip)
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận định, đây là vụ việc gây sốc cho những người làm trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều giáo viên đang trong giai đoạn hoang mang, khi không thể sử dụng các hình thức phạt kiểu cũ để răn dạy học sinh, vì nó vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, họ cũng chưa thực sự nắm rõ để vận dụng các phương pháp kỷ luật tích cực. Vì vậy, họ sợ hãi, không làm gì để điều chỉnh hành vi của học sinh.
"Nhẽ ra giáo viên sẽ xử lý vụ việc này tốt hơn ngay từ đầu, nhưng lại rơi vào bẫy cảm xúc, không kiểm soát được bản thân dẫn tới hành vi thiếu chuẩn mực lại với chính học sinh của mình", ông Nam nói.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục đánh giá, từ sự việc ở trường THCS Văn Phú có thể thấy, dường như nhiều giáo viên và nhà trường đang bất lực trong việc giáo dục học sinh. Cùng với đó là sự thờ ơ của chính đồng nghiệp trong trường, khi sự việc xảy ra ở lớp học, hàng chục học sinh la hét, vay quanh để xem mà không hề xuất hiện giáo viên khác của trường tới can thiệp.
Cha mẹ của những học sinh này cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Bố mẹ đã làm gì để cho những đứa trẻ sẵn sàng vi phạm quy định không được làm trong nhà trường, và liệu rằng người lớn đã là tấm gương tốt hay chưa.
Học sinh cấp 2 tại Tuyên Quang ném dép vào đầu khiến giáo viên ngất xỉu. (Ảnh cắt từ clip)
Thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass) chia sẻ, chúng ta phải nhìn nhận lại rằng, việc giáo dục học sinh không phải chỉ duy nhất từ nhà trường, mà cha mẹ, người thân và cộng đồng cũng cần chung tay tham gia.
Khi một đứa trẻ bị lệch chuẩn, thì đó là sản phẩm lỗi của cả hệ thống giáo dục, các bên đều có trách nhiệm. Không nên quy chụp và đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, thầy cô. Cha mẹ hãy luôn đồng hành và kết nối với con, đừng trao quyền hoàn toàn việc giáo dưỡng con cái cho nhà trường hay xã hội.
"Chúng ta chỉ có một đến hai đứa con, trong khi giáo viên quản lý hàng chục em, hơn nữa bố mẹ có quyền hành hơn trong việc dạy bảo con mình và sẽ là người hiểu con mình hơn ai hết", thầy Khánh nói.
Dù ở môi trường công lập, dân lập, quốc tế... hay bất kỳ một mô hình, hệ thống đào tạo nào, đừng bao giờ coi học sinh là "thượng đế". Nếu như coi giáo viên chỉ là nhân viên phục vụ cho "mô hình kinh doanh giáo dục" và đưa học sinh, cha mẹ lên mức "thượng đẳng" thì học sinh có thể coi thường giáo viên giảng dạy.
Ở một số tình huống, chỉ cần không làm hài lòng một "học sinh VIP" nào đó, dù thầy cô không hề sai, thì một lời phản ánh của học sinh, phụ huynh có thể chấm dứt luôn công việc của giáo viên đó.
"Có những tình huống học sinh xúc phạm cả về thể chất lẫn tinh thần giáo viên quá đà, thầy cô tự vệ, phản ứng lại hoặc thiếu kiểm soát chút là có thể tan biến cả sự nghiệp. Nếu không xử lý nghiêm các em học sinh hư, thì có lẽ không thầy cô nào dám đến trường để dạy học nữa, luôn lo sợ bản thân trở thành nạn nhân bất kỳ khi nào", thầy Khánh nói.
Một khi phải đối mặt với những học sinh cá biệt, dị biệt, lệch chuẩn đến mức đáng báo động, nhiều khi giáo viên cũng phải im lặng, chấp nhận ngó lơ và bỏ qua cho xong chuyện để giữ lấy cái nghề của mình.
Theo thầy Khánh, giáo dục không đòn roi là tốt, nhưng giáo dục mà không có kỷ luật, kỷ cương, khuôn phép thì giáo viên không có quyền hành, nhà trường không có biện pháp mạnh với các học sinh này thì thực sự khó khăn.
Đối tượng bảo vệ khỏi bạo lực học đường bây giờ không còn bó hẹp chỉ học sinh mà còn có thêm giáo viên. "Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, những người có tâm và có năng lực không muốn theo con đường sư phạm nữa vì sẽ có nhiều ngành nghề an toàn hơn, có chế độ đãi ngộ cao hơn", thầy Khánh chia sẻ.
Nếu chúng ta không có một cuộc cách mạng để nâng cao vị thế của nhà giáo, không chung tay bảo vệ nhà giáo tốt hơn, thì mọi sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới thi cử cũng chẳng có nhiều ý nghĩa.