Ngày 8/8, trong buổi họp báo nhân dịp Hội đồng Vàng thế giới công bố báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng Quý 2/2024, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới đã chia sẻ về xu hướng tìm tới vàng để tích trữ tài sản của các nhà đầu tư Châu Á.
Cụ thể, ở Thượng Hải khi thị trường chứng khoán và bất động sản không quá khởi sắc, các nhà đầu tư sẽ tìm tới vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Việt Nam cũng nằm trong xu hướng của các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, nhà đầu tư tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó lạm phát, mất giá nội tệ và hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước.
Kết quả, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Theo ông Shaokai Fan, giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới. Việt Nam và Indonesia ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý 2.
Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại tác động tới tâm lý người mua.
Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Ông Shaokai Fan khẳng định khi nhìn vào các quỹ ETF Châu Âu và Châu Á thì các quỹ Châu Á vẫn mua vàng nhiều hơn. Ngoài ra, ông cho biết trong vòng 6 tháng vừa qua tuy vàng có nhiều biến động nhưng về dài hạn thì không có thay đổi quá lớn.
Tuy nhiên, khi nhu cầu đầu tư vàng giảm đáng kể hoặc các nhà đầu tư Châu Á chốt lời rộng lãi sẽ giảm thiểu hiệu suất đầu tư vàng.
Đề cập tới hình thức phát hành và mua chứng chỉ vàng ở Việt Nam, ông Shaokai Fan cho biết chứng chỉ vàng sẽ giúp việc giao dịch trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, không mất chi phí. Hơn nữa, mua bán vàng qua mạng không ảnh hưởng tới nhu cầu vàng.
Ngoài ra, vị Giám đốc tại Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng Trung Ương Việt Nam. Nếu Ngân hàng Trung ương (SBV) giảm lượng mua vàng sẽ có tác động tới nhu cầu vàng.
Ngoài ra, ông Shaokai Fan cho rằng việc mua vàng của SBV sẽ tăng nhưng không tăng quá cao. Trong khi đó SBV còn nhiều "room" để tăng lượng dự trữ vàng, có thể tiếp tục mở rộng mua thêm nhiều vàng.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc SBV có cần thiết phải tăng thêm 1000 tấn vàng để dự trữ hay không, ông Shaokai Fan cho rằng, vì giá vàng đang tăng cao, mà mục tiêu của SBV là bình ổn thị trường nên không cần thiết phải đạt được con số này.
Trái ngược với xu hướng tăng mua vàng ở khu vực Châu Á, người dân Châu Âu phải thắt chặt chi phí sống nên không quá mặn mà với vàng.
Các quỹ ETF toàn cầu ghi nhận 7 tấn vàng chảy ra theo các dòng tiền nhỏ trong quý 2. Các quỹ ở châu Á tiếp tục tăng trưởng, trong khi dòng tiền lớn chảy ra từ các quỹ ở châu Âu vào tháng 4 đã chuyển thành dòng tiền nhỏ mới trong tháng 5 và tháng 6, và dòng tiền chảy ra từ các quỹ ở Bắc Mỹ chậm lại đáng kể so với quý 1.
Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong quý 2 năm 2024 cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, đánh dấu quý 2 tăng mạnh nhất theo dữ liệu của tổ chức này. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC 2 ) sôi động, tăng 53% lên 39 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.