Trong bài viết mới nhất của mình, Washington Post nhắc lại về việc ông lớn hàng không thế giới vừa ký thỏa thuận bán 20 máy bay thân rộng Dreamliner cho start-up hàng không Bamboo Airways với giá trị lên tới 5,6 tỷ USD. Điều đáng nói là thỏa thuận được ký kết chỉ vài tuần sau khi Airbus cũng có một hợp đồng mua bán tương tự với công ty con của FLC, giá trị 3 tỷ USD.
Hãng hàng không mới, theo ghi nhận của Washington Post, là công ty con thuộc tập đoàn FLC - đơn vị phát triển du lịch nghỉ dưỡng lớn hàng đầu ở Việt Nam. Thời điểm mở ra Bamboo Airways, giám đốc điều hành của FLC cho biết công ty này muốn có mạng bay riêng để đưa khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến với các khu du lịch nghỉ dưỡng của FLC tại Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ với việc mua máy bay thân rộng 787 Dreamliner, kế hoạch của FLC đã có những điều chỉnh bất ngờ.
Trong những trao đổi mới nhất, chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói ông muốn mở rộng mạng bay của Bamboo Airways lên 16 tuyến nội địa và 10 tuyến quốc tế, bắt đầu với việc kết nối với các nước trong khu vực trong năm 2019 và sau đó là vươn cánh tới Mỹ và châu Âu.
"Thỏa thuận với Boeing hôm nay chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch có đội bay với 100 chiếc trong tương lai của chúng tôi", ông nói.
Lãnh đạo dưới quyền ông Quyết cũng khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn về hàng không, nên FLC không ngần ngại rót tiền vào ngành kinh doanh này. Theo ông Đặng Tất Thắng, giám đốc điều hành mới của Bamboo Airways, FLC chọn tên cho hãng bay là Bamboo vì "chúng tôi muốn truyền tải tinh thần Việt Nam".
Ngược lại với những hào hứng từ công ty Việt, Washington Post nhận xét đó là một bước đi đầy rủi ro, nhất là khi đầu tư số tiền lớn như vậy ngay từ đầu cho một dự án chưa từng được thử nghiệm về hiệu quả. Tờ này cho rằng, việc đặt một đơn hàng có giá trị khổng lồ trong khi chưa kiểm chứng được thị trường bằng những chuyến bay đầu tiên là động thái "rất bất thường" của nhà khai thác đến từ Việt Nam.
"Việc đổ tiền mua số lượng lớn máy bay khi chưa thử sức với những chuyến đầu tiên là điều không một hãng nào dám làm. Bamboo hoặc quá tự tin, thậm chí đến mức kiêu ngạo; hoặc họ có túi tiền thực sự rủng rỉnh. Động thái đó cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư gần như sẵn sàng bỏ qua mọi kế hoạch tài chính cơ bản áp dụng một start-up hàng không", Henry Harteveldt, chuyên phân tích hàng không thương mại của Mỹ, nói với Atmosphere Research.
Trong khi đó, Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không của Tập đoàn Teal, hoài nghi rằng thị trường hàng không của Việt Nam sẽ còn đủ chỗ cho một hãng khác nhảy vào, khi đang được vận hành bởi 3 hãng hãng không, trong đó có 1 giá rẻ, 1 truyền thống, và 1 chuyên bay các chặng ngách.
"Kinh doanh hàng không luôn giống như một cỗ máy ngốn tiền, theo đúng nghĩa đen. 8,6 tỷ USD vào ngành này chẳng khác nào bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ, và có thể khiến hãng phơi thân trong nợ nần, chi phí", Aboulafia nói.