Chuyên gia giáo dục nói về MV của Sơn Tùng M-TP: Bài hát như một lời cổ vũ tiêu cực

Minh Nhân |

Những nội dung trong MV There's No One At All tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.

MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP được phát hành tối 28/4, kể về cuộc đời bi kịch của một chàng trai bị bỏ rơi, lớn lên trong cô nhi viện, bị bạo lực học đường và trở thành một kẻ quậy phá, quấy rối. Kết thúc MV, chàng trai nhảy từ trên cao xuống để tự kết thúc đời mình, giải thoát bản thân khỏi cuộc sống đơn độc, không gia đình và ngột ngạt.

MV gây tranh cãi và bị chỉ trích dữ dội trong bối cảnh giới trẻ bị ảnh hưởng tâm sinh lý trong 2 năm đại dịch Covid-19.

Chuyên gia giáo dục nói về MV của Sơn Tùng M-TP: Bài hát như một lời cổ vũ tiêu cực - Ảnh 1.

MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP bị chỉ trích dữ dội về những hình ảnh tiêu cực

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giáo dục nhận định, trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP ảnh hưởng lớn tới giới trẻ, đặc biệt những trẻ có tâm lý bất an, bức xúc, không thoải mái, căng thẳng hoặc trầm cảm. Cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp, xử lý, gỡ hoặc chặn những MV tiêu cực như thế này.

Vị chuyên gia chia sẻ, lời bài hát của Sơn Tùng M-TP giống như “một lời cổ vũ tiêu cực”. Thực tế, khi phỏng vấn học sinh, vị này nhận thấy trẻ em thường tìm đến những cách giải quyết tiêu cực để chấm dứt những bế tắc đang gặp phải.

"Khi trẻ em không vượt qua được căng thẳng, khó khăn, thì những bài hát, hình ảnh, bộ phim như lời cổ vũ rất tiêu cực, đặc biệt có tính chất lan truyền", chuyên gia nói.

Theo quan điểm của chuyên gia giáo dục, phụ huynh không thể cấm con em tiếp cận không gian mạng, thay vào đó hãy làm bạn và kéo con sang các hoạt động khác.

Vị này ủng hộ chủ trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Ngoài ra, cơ quan chức năng, những tổ chức nghiên cứu và chăm sóc trẻ em, cần có thêm nhiều hoạt động khác, kéo giới trẻ về những mối quan tâm tích cực.

"Những hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, sinh hoạt tập thể,… sẽ giúp giới trẻ thoát khỏi những mảng tối", chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục nói về MV của Sơn Tùng M-TP: Bài hát như một lời cổ vũ tiêu cực - Ảnh 2.

Cục Phát thanh Truyền hình gửi yêu cầu Google, YouTube gỡ MV của Sơn Tùng M-TP

Nhà báo Trần Thu Hà bày tỏ mong muốn Sơn Tùng M-TP nên điều chỉnh hoặc cắt bỏ đoạn cuối MV There's No One At All. Chị nhận xét những cảnh kết thúc MV rất tiêu cực, ám ảnh, nhất là sau những chuyện tương tự vừa xảy ra mới đây.

"Sơn Tùng là thần tượng của rất nhiều các bạn trẻ. Tuổi mới lớn nghe Sơn Tùng nhiều lắm. Những MV và hành động của Sơn Tùng sẽ ảnh hưởng đến rất lớn đến các bạn ấy. Nên dù chỉ một trẻ bắt chước theo đoạn cuối clip cũng là quá kinh hãi rồi", chị viết.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Cục đã yêu cầu Google, YouTube can thiệp gỡ MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP .

"MV có những nội dung tác động xấu đến giới trẻ, đặc biệt phân cảnh cuối xuất hiện cảnh nhảy lầu rất nguy hại đến nhận thức và hành động của giới trẻ hiện nay. MV đã vi phạm quy định khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/202/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn", ông Tự Do nói.

Hiện, Cục PTTH&TTĐT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, để có hướng xử lý chính thức, dừng những nội dung gây tác hại xấu.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đã có công văn, nhận định nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình There's No One At All mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật ngã từ lầu cao. Những nội dung này đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.

Trên cơ sở nhận định này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn kiến nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL xử lý các hành vi của các tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Đồng thời, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng kiến nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý, ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân đăng phát, lưu hành, phổ biến bản ghi âm, ghi hình này trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

Điều 3, Nghị định 144/202/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn, quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn:

Khoản 4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại