Đó là kết quả thăm dò ý kiến các nhà phân tích do hãng tin Reuters vừa công bố.
Các nhà phân tích nhìn chung đều băn khoăn không rõ liệu tổ chức của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể duy trì việc cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường hay không?
Giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2023 vào khoảng 82,17 USD/thùng, tính chung cả năm giảm khoảng 10% do USD mạnh bởi lãi suất cao và nhu cầu dầu của Trung Quốc không như kỳ vọng, trái ngược với mức giá tưng 7% - 10% trong năm 2022, khi lo ngại về nguồn cung sau khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Thị trường dầu năm qua đã trải qua những tháng ngày biến động rất mạnh do căng thẳng địa chính trị và lo ngại về mức sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới. Kết thúc năm, giá dầu Brent ở mức 77,04 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giá 71,65 USD/thùng, là mức giá cuối năm thấp nhất kể từ 2020.
Kết quả khảo sát của Reuters với 34 nhà phân tích và nhà kinh tế dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2024 sẽ ở mức 82,56 USD/thùng, thấp hơn so với mức 84,43 USD dự đoán cách đây một tháng. Chỉ có 1 ngời dự đoán giá sẽ trung bình trên 90 USD/thùng trong năm 2024. Các nhà phân tích cũng hạ dự đoán về giá dầu WTI từ 80,5 USD/thùng xuống 78,84 USD/thùng.
"Về nhu cầu, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có sự cải thiện đáng kể trong thời gian tới" Thomas Wybierek, nhà phân tích của NORD Landbk cho biết.
Các nhà phân tích cũng đã đặt câu hỏi liệu tổ chức của các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh của họ (gọi là OPEC+) có thể sẽ cam kết cắt giảm nguồn cung như họ đã làm trong thời gian qua hay không?
Tháng trước, OPEC+ đã nhất trí tự nguyện cắt giảm sản lương tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2024, dẫn đầu là Saudi Arabia, nhằm hỗ trợ giá dầu.
OPEC+ hiện đang cắt sản lượng khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày và thị phần của họ trên thị trường dầu toàn cầu đã giảm xuống khoảng 27%. Lần gần đây nhất thị phần của OPEC giảm xuống 27% là trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm 15 – 20%. Kể từ đó, nhu cầu dầu đã hồi phục và đạt mức cao kỷ lục, có nghĩa là OPEC đã mất thị phần về tay các đối thủ của họ.
Trong khi đó, Angola bắt đầu rời OPEC từ tháng 1/2024, sau khi Ecuador trước đó đã rời nhóm vào năm 2020, Qatar vào 2019 và Indonesia năm 2016. S ự ra đi của Angola sẽ khiến sản lượng của nhóm 12 thành viên giảm xuống dưới 27 triệu thùng/ngày, tức là thậm chí còn dưới 27% tổng nguồn cung dầu toàn cầu (là 102 triệu thùng/ngày).
"Trong khi rất khó để duy trì sự hợp tác với tất cả các thành viên của OPEC+ - tại thời điểm hiện tại và mức giá như hiện nay- tất cả các thành viên đều ủng hộ giá dầu cao hơn", John Paisie, chủ tịch của Stratas Advisors cho biết.
Các nhà phân tích tham gia khảo sát cũng cho biết rủi ro địa chính trị sẽ khiến giá dầu biến động trong những tháng tới.
"Chúng tôi nghĩ rằng trong năm 2024 thị trường sẽ quan tâm đến địa chính trị hơn rất nhiều so với năm 2023", ông Paisie cho biết thêm.
Các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và Hamas đã làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ Trung Đông, khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Các cuộc tấn công mới nhất vào các tàu trên Biển Đỏ đã gây quan ngại về sự gián đoạn hoạt động vận chuyển.
Mặc dù một số công ty đang chuẩn bị tiếp tục di chuyển qua Kênh đào Suez, một số tàu chở dầu thô và dầu tinh lọc vẫn đang chọn con đường dài hơn quanh châu Phi để tránh các xung đột có nguy cơ xảy ra trong khu vực.
Dự báo nhu cầu của thế giới đối với dầu thô OPEC trong quý 1 và 2/2024, so với sản lượng hiện tại.