Chuyên gia Đức gợi ý chiến lược buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết từ PCA về Biển Đông

Trung Hiếu |

Nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết từ Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (ở đây gọi tắt là tòa PCA), chuyên gia Đức về Biển Đông đã nêu bật vai trò của phán quyết này và gợi ý chiến lược buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết đó.

Tiến sĩ Đức Rodion Ebbighausen. Ảnh: Philipp Böll/DW.

Tiến sĩ Đức Rodion Ebbighausen. Ảnh: Philipp Böll/DW.

LTS: Tiến sĩ Rodion Ebbighausen - phụ trách khu vực châu Á của Đài truyền hình Làn sóng Đức (Deutsche Welle), là một chuyên gia về Biển Đông. Vừa qua ông tham gia cuộc hội thảo trực tuyến do Đại học Hamburg (Đức) tổ chức với chủ đề về Phán quyết lịch sử ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (sau đây gọi tắt là tòa PCA ). Nhân dịp này, Tiến sĩ Rodion Ebbighausen đã chia sẻ một số nhận định về vấn đề này.

Diễn biến Biển Đông sẽ vẫn phức tạp với sự cứng rắn của Trung Quốc

Tình hình ở Biển Đông sẽ vẫn phức tạp và căng thẳng trong tương lai có thể thấy được.

Một trong các lý do chính dẫn đến sự căng thẳng gia tăng này là khác biệt tư duy chính trị giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Trong diễn văn kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rõ rằng “Trung Quốc sẽ không để cho ai bắt nạt mình”.

Trong khi ấy, tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO, Tổng thư ký của khối quân sự này Jens Stoltenberg tuyên bố “Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng ta”.

Hồi tháng 3/2019, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên gọi Trung Quốc là một “ đối thủ có hệ thống ”.

Điều này đang ảnh hưởng đến ASEAN và căng thẳng ở Biển Đông. Do vậy, quy mô giải pháp mang tính thực tế cho tình trạng đối đầu ở đây có thiên hướng thu nhỏ hơn là mở rộng. Trung Quốc có xu hướng phô diễn sức mạnh và ít sẵn lòng thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.

Đối sách cho các nước như Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc phớt lờ phán quyết từ PCA

Phán quyết này là một tín hiệu quan trọng. Nhưng luật quốc tế chỉ mạnh khi các quốc gia có chủ quyền sẵn lòng tuân thủ nó. Đáng tiếc là phán quyết của Tòa trọng tài đã bị Trung Quốc phớt lờ.

Các đại cường quốc như Trung Quốc chỉ tôn trọng luật pháp quốc tế khi điều này phục vụ lợi ích của họ. Các quốc gia hạng trung như Đức và Việt Nam hay các nước nhỏ hơn không có gì ngoài luật pháp quốc tế để bảo vệ bản thân họ trước các hành động võ đoán của các nước lớn hơn.

Do rất khó ép các nước lớn tuân thủ luật pháp quốc tế, nên chiến lược khả dĩ cho các nước còn lại là nâng cao cái giá phải trả nếu vi phạm luật quốc tế.

Để làm được điều này trong vấn đề Biển Đông , cần phải nhấn mạnh tính hiệu lực của phán quyết trọng tài mỗi khi có cơ hội. Trong luật quốc tế thì “nước chảy đá mòn”.

Đồng thời các nước hạng nhỏ và vừa cần hợp tác với nhau hơn nữa. Về mặt này, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là giải pháp đúng đắn dành cho Đông Nam Á, tượng tự như mô hình Liên minh châu Âu (EU) dành cho châu Âu.

Đây là cách tin cậy để bảo vệ luật pháp quốc tế trước tình trạng phớt lờ từ phía các nước lớn.

Luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ được tôn trọng nếu ngày càng có nhiều quốc gia tình nguyện tuân thủ. Đến một thời điểm nào đó, sức mạnh ràng buộc của luật pháp quốc tế sẽ khiến Trung Quốc không thể phớt lờ được nữa.

Vai trò của Đức nói riêng và EU nói chung đối với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu cho tới nay mới chỉ có phiên bản thứ nhất. Một bản toàn diện hơn sẽ có vào tháng 9/2021.

Các nước thành viên EU, bao gồm Đức, Pháp, và Hà Lan, cũng đều có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương riêng.

Tất cả các cách tiếp cận đều nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế và UNCLOS là khuôn khổ duy nhất để giải quyết các xung đột ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer mới đây nhắc người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về tầm quan trọng của phán quyết tòa trọng tài năm 2016.

EU và các nước nêu trên xem mình chủ yếu là đối tác đối thoại và hợp tác với tất cả các bên. Điều này bao gồm cả Trung Quốc.

EU hình thành một quan điểm vượt ra bên ngoài sức mạnh lớn của cả Mỹ và Trung Quốc. ASEAN được xem là đối tác tự nhiên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho quan điểm thứ 3 này. EU đang tìm kiếm các đối tác dựa vào hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại