Tận dụng lợi thế cạnh tranh du khách quốc tế
Tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" diễn ra vào sáng 10/3 tại TP HCM, nhiều chuyên gia, đại diện các công ty du lịch, dịch vụ, lữ hành và lãnh đạo các ban ngành đã thảo luận chỉ ra những thực trạng ngành du lịch đang gặp phải và đưa ra đề xuất, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group cho rằng, visa là cánh cửa đầu tiên, là lợi thế cạnh tranh đối với các điểm đến khác. Nhưng gần 1 năm sau khi mở cửa du lịch trở lại, đến nay vẫn vắng bóng du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Điển hình như hệ thống khu vui chơi giải trí Sun World rất vắng khách suốt từ năm ngoái đến nay, ngay cả những dịp vốn được coi là cao điểm như Tết Nguyên đán vừa qua.
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group phát biểu tại Hội thảo.
Đơn cử, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Hay ở Phú Quốc trong mùa quý 4 và quý 1 - mùa inbound (mùa khách nước ngoài vào) tụt giảm cũng gần 50%. Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông. Tình trạng sụt giảm lượng khách có nguyên nhân lớn từ việc thiếu vắng khách quốc tế.
Cũng theo bà Nguyện, trong khi Việt Nam chậm chạp thì các điểm đến khác đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân, Hồng Kông tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế, Hàn Quốc với chuỗi sự kiện "Văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng" và hòa nhạc Hallyu ở 50 thành phố lớn trên thế giới. Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài…
"Các nước đã thay đổi rất nhanh. Chúng ta đã nói quá nhiều trong các diễn đàn, các hội thảo về những điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp, nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi", bà Trần Nguyện nói và cho biết thêm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn.
Hàng loạt khách sạn, nhà hàng rao bán, chuyển nhượng, tàu thuyền du lịch nằm im bất động, nhiều khu du lịch đìu hiu… là tình cảnh chung ở nhiều điểm đến vốn luôn rất đông khách trước dịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Từ những thực tế nêu trên, bà Nguyện đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu hút khách quốc tế như: Đầu tiên, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này.
Trong dài hạn, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước có nhu cầu ở dài như Úc, New Zealand…
Nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam qua mọi phương tiện: đường hàng không, đường tàu biển, đường bộ qua các cửa khẩu. Việt Nam không chỉ quan tâm đến khách đi đường hàng không, mà cần chú trọng đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện đi lại, tạo sự thuận lợi tối đa cho khách ở các thị trường nước láng giềng đi qua các cửa khẩu biên giới...
Những nước miễn visa, có đường bay thẳng, lượng khách tăng lên gấp đôi
Đồng quan điểm với bà Nguyện trong việc đề xuất các chính sách về visa, ông Trịnh Ngọc Thành - Phó tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines nhấn mạnh thêm, "trong quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, chúng tôi nhận ra, cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á nhưng cạnh tranh điểm đến, du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ nhất, đó là visa. Một số nước trong Asean khi miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, như Thái Lan".
"Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình tăng 5 - 10%", ông Thành nhấn mạnh và đề xuất xem xét miễn visa, sử dụng nhiều lần hay sử dụng trong 3 nước Đông Duong phối hợp với nhau vì hiện nay chương trình giới thiệu du lịch Đông Dương với Việt Nam là trọng điểm, nhưng đang bị nghẽn visa.
Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines phát biểu tại Hội thảo.
Cũng bàn về chính sách visa, TS Lương Hoài Nam, Thành viên hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, đây là câu chuyện dài, được nói nhiều trong năm 2022. "Cá nhân tôi không bao giờ nói rằng, chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Tuy nhiên, nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước", ông Nam chia sẻ.
TS Lương Hoài Nam kiến nghị: Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hay toàn bộ khách từ các nước thành viên EU miễn hết visa cho họ. Đây là đối tượng khách an toàn, văn minh thân thiện. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm, giới thiệu, phát triển…"
Kiểm tra xuất nhập cảnh khách quốc tế tại sân bay Nội Bài.
Đồng quan điểm với đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia, tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị cần xem xét tháo gỡ về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở Việt Nam thì hết hạn visa và họ phải sang nước lân cận để gia hạn visa rồi quay lại Việt Nam. Điều đó đã hạn chế sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trong mắt du khách.
Ngoài ra, bà Hoa cũng cho rằng cần có sự rà soát, hoàn thiện lại từ trang web, giao dịch, tên miền và thời gian giải quyết visa điện tử. Song song đó là thông tin về chính sách visa thường xuyên hơn.
Ghi nhận ý kiến đóng góp để sửa Luật sớm nhất
Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện ban ngành nêu ra những khó khăn, vướng mắc về visa, Đại tá Đặng Tuấn Việt - Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) - cho rằng chính sách thị thực (visa) hiện tại của Việt Nam đã được đánh giá là thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài.
Cụ thể, công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú 15 ngày không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú (không phải hoàn toàn giới hạn trong 15 ngày).
Bên cạnh đó, người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày. Như vậy, khách quốc tế có thể vào các khu vực này bất kỳ lúc nào cũng được.
Đồng thời, Việt Nam đã thực hiện cấp thị thực điện tử (eVisa) có thời hạn tạm trú 30 ngày. Khách nước ngoài chỉ cần sử dụng điện thoại hay máy tính đăng ký vào cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và khai thông tin là được.
Mức phí eVisa là 25 USD nộp vào tài khoản trực tiếp của Bộ Tài chính. Sau thời gian 3 ngày, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả trên online.
Theo thống kê, từ 15.3.2022 đến nay, khách nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức eVisa (thị thực điện tử) với hơn 1,2 triệu người, nhiều gấp 6 lần sử dụng visa thông thường. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cảnh báo hiện có nhiều trang web giả mạo, dùng tài khoản nước ngoài để thu phí eVisa cao và thậm chí làm gián đoạn việc cung cấp visa điện tử của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Đại tá Việt, Bộ Công an đang thực hiện cấp thị thực du lịch Việt Nam có giá trị đến 90 ngày. Khi đến cửa khẩu, luật quy định cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu đóng dấu xác nhận lưu trú 30 ngày. Sau đó khách quốc tế có thể yêu cầu công ty lữ hành xin gia hạn đến 90 ngày. Đồng thời Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho người có gốc Việt và gia đình con cái với thời hạn tạm trú lên 6 tháng.
"Chúng tôi ghi nhận các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, chuyên gia để tiếp tục đưa vào sửa đổi một số điều của luật Xuất nhập cảnh sớm nhất với thủ tục rút gọn. Từ đó tạo thuận lợi hơn nữa theo chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của Chính phủ", Đại tá Đặng Tuấn Việt cho hay.