Chuyên gia: Dễ thấy kết quả của chiến dịch Idlib, Mỹ dù "thua đậm" cũng sẽ không rút quân

Tất Đạt |

Theo nhà bình luận Bret Stephens trên tờ New York Times, tới thời điểm hiện tại, kết quả chiến lược tại Idlib có vẻ đã rõ ràng hơn bao giờ hết.

Kết quả chiến lược tại Idlib

Liên quân do Mỹ dẫn đầu hiện vẫn không ngừng đưa ra cảnh báo tới Tổng thống Bashar al-Assad, cho rằng chính phủ Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học để giải phóng Idlib trong những ngày tới. 

Theo nhà bình luận Bret Stephens trên tờ New York Times, tới thời điểm hiện tại, kết quả chiến lược tại Idlib có vẻ đã rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Iran sẽ thành công trong việc thiết lập hành lang kinh tế trên đất liền từ vùng Bandar Abbas tại vịnh Ba Tư cho tới Thung lũng Bekaa tại Lebanon. Nga sẽ khẳng định vị thế là quốc gia chiến thắng về mặt quân sự và là cầu nối ngoại giao quyền lực tại Trung Đông. Lực lượng Hezbollah sẽ chiếm được ảnh hưởng sâu rộng hơn tại Syria.

Trong khi đó, không ít quốc gia trở thành nước "thua cuộc". Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối mặt với áp lực từ hàng triệu người tị nạn Syria. Israel không thể ngăn cản "tham vọng" của Tehran dù Israel đã nhiều lần không kích các mục tiêu của Iran tại Syria. 

Châu Âu cũng đứng trước nguy cơ phải đối phó với khủng hoảng người tị nạn khi các nhóm đối lập đấu tranh với phe chính phủ.

Và cuối cùng, không thể không kể tới nước Mỹ, khi chính quyền từ hai đời tổng thống Obama và Trump vẫn không tìm ra giải pháp hiệu quả cho khủng hoảng Syria. Ông Donald Trump, người từng tuyên bố rằng sẽ đi ngược lại người tiền nhiệm ở mọi khía cạnh, lại tiếp tục mắc phải sai lầm ngoại giao tồi tệ nhất.

Lực lượng quân sự Syria ồ ạt tiến về Idlib

Trong khi đó, tác giả bài viết tại New York Times cho rằng ít nhất chính quyền của ông Obama không thể giải quyết chuyện ở Syria vì còn phải kí kết thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Trong những dòng tweet mới nhất, ông Trump cảnh báo rằng ông Assad "không được phép tấn công Idlib". Một cuộc tấn công quy mô lớn vào đây sẽ là "giới chỉ đỏ" đối với Mỹ, bất kể Syria có sử dụng vũ khí hóa học hay không. Nếu ông Assad vượt giới hạn, Mỹ có thể sẽ tiêu diệt toàn bộ Không quân Syria và phá hủy đường tiếp tế của Iran cho Syria. 

Mục tiêu của Mỹ tại Syria

Tuy nhiên, trả lời Sputnik, nhà bình luận chính trị Israel Avigdor Eskin cho rằng các cuộc "khẩu chiến" chỉ là động thái "chiến tranh tâm lý" và khẳng định Mỹ sẽ tránh trực tiếp đụng độ quân sự với phe Nga - Syria tại Idlib.

Bên cạnh đó, kể cả khi quân đội Syria (SAA) giải phóng được Idlib, thì cuộc nội chiến Syria vẫn chưa thể kết thúc ngay lập tức bởi những vấn đề chưa được giải quyết về phía người Kurd cũng như khả năng phe nổi dậy sẽ tấn công trả đũa.

Theo nhà phân tích này, khi tiến vào thành phố với hơn 3 triệu người bị giữ làm con tin, quân đội các bên phải đặc biệt cẩn trọng.

Chuyên gia: Dễ thấy kết quả của chiến dịch Idlib, Mỹ dù thua đậm cũng sẽ không rút quân - Ảnh 2.

Cái giá phải trả khi tấn công Idlib sẽ đắt hơn tại chiến trường Aleppo và Mosul. Ảnh: AP

"Có 3 triệu người hiện vẫn đang mắc kẹt tại Idlib. Nhiều người trong số họ tới đây tị nạn khi quân đội của ông Assad và đồng minh tiến công và giải phóng những khu vực khác. Cái giá phải trả khi tấn công Idlib sẽ đắt hơn chiến trường Aleppo và Mosul rất nhiều".

Mặc cho những cam kết của tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ sẽ rút khỏi Syria "sớm nhất có thể", Mỹ và đồng minh vẫn có sự hiện diện quân sự tại đây.

Tuy nhiên, ông Eskin cho rằng: "Chính quyền ông Trump không muốn bị kéo quá sâu vào chiến trường Syria".

Giải thích cho điều đó, ông khẳng định có 2 vấn đề khiến Mỹ không thể rút khỏi khu vực Trung Đông: "Thứ nhất, Mỹ cần đảm bảo sự tiêu diệt hoàn toàn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thứ hai, Mỹ muốn ngăn Iran gia tăng tầm ảnh hưởng tại đây".

Ông Eskin cho biết chiến dịch của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn vào thị trấn Hajin ở bờ đông sông Euphrates vào ngày 10/9 đã thể hiện nỗ lực chống khủng bố của Mỹ. 

Mặt khác, Mỹ và Israel đang "hợp lực" để ngăn Iran tạo ra "hành lang trên đất liền" để tới vùng Địa Trung Hải thông qua Iraq, Syria và Labanon. 

Washington và các đồng minh châu Âu đã lên tiếng phản đối chiến dịch của quân đội Syria vào Idlib dù vẫn thừa nhận rằng khu vực này là điểm nóng của khủng bố.

Bên cạnh đó, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ "trả đũa" trong trường hợp quân đội SAA sử dụng vũ khí hóa học. Damascus đã phủ nhận các cáo buộc và dẫn chứng rằng tất cả kho vũ khí hóa học đã bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các nhóm khủng bố đang chuẩn bị kích động bằng vũ khí hóa học để "tạo cớ" cho Mỹ đổ bộ Syria.

Vấn đề vũ khí hóa học

Ngày 12/9, đại diện của Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc tổ chức phi chính phủ "Mũ Bảo hiểm Trắng" và các nhóm cực đoan khác đã dụ dỗ trẻ em để quay video dàn dựng vụ tấn công hóa học. 

Hồi cuối tháng 8, Trung tâm Hòa giải Syria của Nga cho biết đã phát hiện nhóm Mũ Bảo hiểm Trắng bí mật đem một lượng lớn chất độc hóa học tới một nhà kho được sử dụng bởi nhóm khủng bố Ahrar al-Sham tại tỉnh Idlib. 

Tuy nhiên, Washington dường như không để tâm tới các tuyên bố của Nga. Trả lời Fox News vào ngày 12/9, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley "cảnh báo" Moskva, Tehran và Damascus không được phép sử dụng vũ khí hóa "một lần nào nữa" và khẳng định rằng quân đội các nước này đã hai lần tổ chức tấn công hóa học tại Syria.

Chuyên gia: Dễ thấy kết quả của chiến dịch Idlib, Mỹ dù thua đậm cũng sẽ không rút quân - Ảnh 4.

Người dân tại Idlib kiểm tra các hầm trú ẩn trước giờ G.

"Đừng thách thức chúng tôi," bà Haley nói.

Theo chuyên gia Eskin, "các cuộc đối đáp xoay quanh vấn đề vũ khí hóa học là một phần trong chiến tranh tâm lý" và ông tự tin rằng "sẽ không có cuộc đụng độ quân sự thực sự nào giữa Mỹ và Nga".

Tuy nhiên, ông cho rằng "mối lo ngại là có lý": "Nếu chiến tranh bùng nổ giữa các nhóm quân sự lớn tại Idlib, hàng chục nghìn người sẽ thiệt mạng và 2 triệu người sẽ phải tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đang kịch liệt phản đối chuyện này. Đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không 'vui' khi phải giải quyết vấn đề 2 triệu người tị nạn từ Syria tràn sang nước này."

Trong cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại Tehran, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc diệt trừ các mối họa tại cứ điểm cuối cùng của khủng bố tại Syria và nói thêm rằng: "Có rất nhiều dân thường đang có mặt tại Idlib, và chúng ta chắc chắn phải nhớ điều đó [khi chiến đấu với khủng bố]."

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về chiến dịch sắp tới hướng về Idlib. Trong bài viết mới được đăng tải trên Wall Street Journal, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối và ngăn chặn chiến dịch Idlib.

Ngày 13/9, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định rằng bất kì cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nào vào Idlib cũng sẽ là thảm họa với khu vực. Theo Anadolu, Ankara đang hợp tác cùng Moskva và Tehran "để bình ổn Idlib".

Về phần Iran, nhà phân tích Israel cho rằng "Iran hiện đang ở thế thắng và sẽ cố gắng đạt được những lợi ích then chốt tại khu vực".

"Tuy nhiên, Iran cần giải quyết bất ổn trong nước và cuộc chiến ở Syria sẽ không sớm kết thúc sau chiến dịch ở Idlib," ông Eskin kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại