Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Cao Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bán đấu giá Nhân văn (Hà Nội) cho biết, ông có theo dõi các thông tin liên quan đến buổi trả giá bán siêu sim của Ngọc Trinh.
Tuy nhiên, theo ông, đây không được coi là phiên bán đấu giá, bởi nó không làm theo trình tự, thủ tục tại Nghị định 17/2010/NĐ - CP năm 2010 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản mà chỉ là mời mọi người đến, ai thích thì đưa ra mức giá, rồi ai trả cao thì được.
"Thực ra, đối với buổi bán siêu sim của Ngọc Trinh, nếu dùng từ đấu giá thì không đúng vì tại Nghị định 17 đã quy định rõ các trình tự thủ tục cần phải thực hiện, nhưng ở đây theo tôi được biết không thực hiện theo điều nào cả.
Đây chỉ là mời đến một địa điểm nhất định rồi kêu gọi mọi người mua ủng hộ, ai trả giá cao sẽ được, người ta gọi đây là làm hình ảnh.
Cụ thể, Ngọc Trinh muốn làm từ thiện nên mang siêu sim này ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ rồi lấy tiền đó đi làm", ông Tùng nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bán đấu giá Nhân văn cũng nêu thêm, chính vì đây chỉ là buổi đấu giá mang tính cá nhân, không có ràng buộc cụ thể nên mới dẫn đến trường hợp "lật kèo" của hai người đứng ra mua siêu sim của Ngọc Trinh.
"Việc hai người mua lật kèo đối với sim của Ngọc Trinh làm cho tôi nhớ lại một buổi đấu giá bộ tranh trên truyền hình nhiều năm trước cũng mang mục đích từ thiện và vì không có các quy định rõ ràng nên sau đó đã xảy ra rất nhiều lùm xùm đối với người đã trả giá mua", ông Tùng kể.
Nữ đại gia đeo mặt nạ tại buổi đấu giá. Ảnh: Kenh14.
Cũng theo ông Tùng, đối với một phiên đấu giá theo đúng quy định thì thủ tục đầu tiên phải chứng minh được, tài sản đó thuộc chủ sở hữu của người đứng ra bán đấu giá hoặc ủy quyền cho tổ chức, đơn vị chuyên nghiệp đứng ra làm công việc đấu giá.
"Trong trường hợp này, tôi cũng không biết siêu sim này đã mang tên Ngọc Trinh chưa, nhưng nếu mang tên rồi thì phải có chứng nhận của nhà mạng di động Viettel thì mới được mang ra đấu giá còn nếu vẫn mang tên người khác mà mang ra như thế là không đúng.
Sau đó, phải có quy chế đấu giá cụ thể gồm đối tượng tham gia là ai, các chế tài như đặt cọc giá trị 1 - 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Ví dụ như Ngọc Trinh đưa ra giá khởi điểm là 15 tỷ đồng thì đặt cọc có thể là từ 100 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phải có quy định bước giá, tức là từ giá khởi điểm, ví dụ như 15 tỷ thì bước giá sẽ là 5, 10, hay 50, 100 triệu đồng.
Việc quy định này là do đấu giá miệng để mọi người tham gia có thể dễ dàng hơn, còn nếu theo kiểu thích thì tôi trả luôn 20 - 30 tỷ hay như nữ doanh nhân trong buổi đấu giá của Ngọc Trinh đẩy giá từ 10 tỷ đồng lên 16 tỷ đồng thì không được", ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, nếu tại cuộc bán đấu giá, khi công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.
Còn theo một vị đã nhiều năm làm đấu giá viên tại TP HCM thì buổi đấu giá theo cách làm của Ngọc Trinh không sai và nhiều người nổi tiếng khác cũng thực hiện.
"Tuy nhiên, chính vì không có những ràng buộc cụ thể, không có đặt cọc nên đã xảy ra việc hai người mua không giữ đúng cam kết ban đầu.
Thêm vào đó, dù là quyền cá nhân nhưng việc nữ doanh nhân mua sim lại dùng mặt nạ che mặt cũng khiến không ít người nghi ngờ hơn, nhất là sau khi bà này lật kèo.
Bởi thông thường các buổi đấu giá, nhất là đấu giá từ thiện, kể cả trên truyền hình người trả giá thường xin giấu danh tính cụ thể chứ không đeo mặt nạ", vị này nói.