Đó là một con robot hút bụi luôn bị kẹt ở góc nhà, một chiếc máy in không bao giờ in hay chiếc kính thực tế ảo mà con bạn không còn hứng thú sau hai tuần.
Có rất nhiều món đồ công nghệ bạn nghĩ rằng phù hợp với mình nhưng đến khi mua về lại bỏ xó.
Chuyên gia công nghệ Chris Velazco của tờ Washington Post đưa ra lời khuyên về cách nhận biết liệu một thiết bị có thể giúp cuộc sống của bạn tốt hơn hay ngày nào đó bạn sẽ ném vào thùng rác. Dưới đây là cuộc trò chuyện với Velazco.
Quy tắc mua sắm của anh là gì để biết món đồ đó đúng là thứ mình cần và không cảm thấy hối hận sau đó?
Có ba điều.
Hãy tin tưởng vào cảm giác. Nếu mua một thiết bị nhưng không cảm thấy nó đang giúp ích cho cuộc sống, điều bạn cần làm có lẽ là trả lại món đồ ngay lập tức.
Đừng vội mua món đồ gì đó vừa mới ra. Khi một thứ gì đó lấp lánh và mới xuất hiện, thường bạn sẽ cảm thấy muốn mua ngay. Nhưng gần như tất cả các thiết bị điện tử sẽ được giảm giá. Nên hãy chờ đợi.
Chọn người đánh giá uy tín. Bắt đầu bằng cách tự hỏi bản thân xem bạn thực sự muốn tìm hiểu thêm về điều gì. Bạn có muốn so sánh với các sản phẩm tương tự hay xem thứ đó có phù hợp với cuộc sống hay không? Hãy tìm những người đánh giá đáng tin cậy đáp ứng những tiêu chí trên.
Món đồ công nghệ yêu thích hiện tại của anh là gì?
Tôi không phải là fanboy của Apple nhưng MacBook Pro với con chip tự phát triển của Apple là khoản đầu tư tốt nhất so với bất kỳ thứ gì tôi đã mua trong nhiều năm. Tôi không bao giờ phải lo lắng về việc máy của mình hết pin.
Các mẫu MacBook Pro mới nhất có giá khởi điểm từ 1.600 USD đến 2.500 USD. Tuy nhiên, bạn có thể mua các phiên bản đời cũ hơn với giá rẻ hơn nhiều.
Công nghệ nào mà anh thấy không có giá trị?
Tôi không thích sạc không dây. Mọi người có thể sẽ không đồng ý với điều này. Nhưng tôi thà cắm thiết bị vào bộ sạc để tiếp tục sử dụng như bình thường còn hơn là gắn thiết bị vào đế sạc không dây để rồi phải chấp nhận rời xa chiếc điện thoại cho đến khi sạc đầy.
Công nghệ nào quá phức tạp hoặc gây khó chịu?
Ngoài những thứ cơ bản như đèn, tôi không quan tâm đến những thứ trong nhà thông minh. Tôi sống trong một căn hộ cho thuê và không thể tháo rời đồ đạc và lắp lại mọi thứ. Kể cả nếu có thể, tôi cho rằng mình sẽ phải dành 20 năm tới để biến mọi thứ trở nên thông minh đúng nghĩa.
Hầu hết các sản phẩm tại CES (Triển lãm Điện tử Tiêu dùng thường niên) chỉ là mánh lới quảng cáo hoặc là sản phẩm sẽ chẳng bao giờ trở thành xu thế (robot gia đình, máy tính thực tế ảo, ô tô không người lái). Những thứ này mang lại ý nghĩa gì?
Điều đó có giá trị khi thể hiện việc các công ty tin tưởng vào tương lai mọi thứ sẽ như thế nào.
Các công ty như Samsung và LG dự đoán rằng mọi người sẽ có robot AI trong nhà trong vòng vài năm tới. Nhưng tôi chưa tin vào viễn cảnh đó.
Nhưng đây là lúc để đặt câu hỏi: Tôi muốn một con robot như thế ở trong nhà làm gì? Một con robot sẽ phải rẻ đến mức nào thì tôi mới bỏ tiền mua một chiếc? Và liệu những công ty đó có đang làm mọi thứ đúng đắn hay không?
Trong suốt những năm viết về công nghệ, anh đã dự đoán điều gì sẽ trở thành xu thế mới nhưng rồi đã nhầm.
Một thập kỷ trước, khi kính thực tế ảo Oculus đầu tiên và Gear VR của Samsung được ra mắt, tôi đã nghĩ nhiều người trong chúng ta sẽ chơi game và thực hiện các tác vụ trong thực tế ảo. Nhưng tôi đã nhầm về tính phổ biến của nó.