Nguyên nhân thứ nhất, hầu hết các bảo tàng và phòng triển lãm đều có bảo hiểm chi trả cho bất kỳ thiệt hại nào tương tự. Thứ hai, người quản lý bảo tàng hiểu đó chỉ là tai nạn.
Trên thực tế, ở hầu hết các trường hợp một tác phẩm nghệ thuật vô tình bị hư hại, không thấy đề cập đến kiện cáo từ viện bảo tàng, hoặc người sở hữu tác phẩm đó. Có vẻ kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là bạn sẽ bị cấm vào bảo tàng.
Ví dụ, năm 2006, Nick Flynn trong lúc dạo quanh Bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge (Anh) đã giẫm vào dây giày rồi ngã vào ba bình gốm thời Thanh, trị giá 225.000 đô la.
Hình minh họa
Sau đó, phía bảo tàng chỉ gửi anh một bức thư khuyên rằng “không nên đến thăm bảo tàng trong tương lai gần”. Họ thậm chí còn không công khai danh tính của Flynn, tránh cho anh ta phải xấu hổ vì đã lỡ làm vỡ ba cái bình có tuổi đời gần 400 năm và đã được trưng bày tại đó suốt 60 năm.
Một trường hợp khác xảy ra năm 2015, một cậu bé 12 tuổi người Đài Loan vấp ngã và làm thủng một lỗ trên bức tranh sơn dầu Flowers của Paola Porpora, trị giá khoảng 1,5 triệu đô la.
Các nhà tổ chức triển lãm đã cam kết rằng cậu bé và gia đình không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hay bất kỳ rắc rối pháp lý nào. Một nhà tổ chức trong số đó còn công khai khăng khăng cho rằng cậu bé không có lỗi.
Năm 2010, một cô gái được giấu tên đã ngã vào bức tranh The Actor trị giá 130 triệu đô la của Picasso. Ở trường hợp này, các quan chức bảo tàng quan tâm việc cô gái có bị thương hay không hơn cả chuyện một kiệt tác vừa bị rách một nửa.
Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều hiện vật triển lãm bị hư hại liên quan đến việc chụp ảnh của khách thăm quan. Tương tự các tai nạn ở trên, phía bảo tàng và phòng triển lãm có vẻ khá do dự để quy trách nhiệm trong các vụ việc bắt nguồn từ sự cẩu thả như vậy.
Tuy nhiên, vẫn có “ngoại lệ” cho các cá nhân phá hỏng một tác phẩm nghệ thuật. Điều này xảy ra khi một du khách cố trèo lên bục để chụp ảnh tự sướng với bức tượng Dom Sebastiao ở một nhà ga Bồ Đào Nha.
Kết quả, bức tượng từ thế kỷ 19 rơi xuống và vỡ vụn. Sau đó, người đàn ông này bị truy tố vì tội phá hủy tài sản công.
Trong trường hợp nhân viên bảo tàng hay phòng triển lãm làm hỏng hoặc phá hủy một tác phẩm, họ sẽ thoát tội nếu nó thực sự là tai nạn.
Ví dụ, năm 2000, một số nhân viên tạp vụ tại nhà đấu giá Bond Street đã vô tình bỏ một bức tranh của họa sĩ Lucian Freud – trị giá khoảng 130.000 đô la – vào máy nghiền.
Bức tranh được cất giữ trong một cái hộp gỗ lớn, mà những người này nghĩ nó rỗng không nên đã bỏ đi cùng rác. Vì là sai lầm vô tình, nên nhà đấu giá đã cam kết trên giấy tờ rằng các nhân viên này không bị mất việc.
Với những trường hợp cố tình phá hoại, bảo tàng có quyền và sẽ đòi bồi thường, thậm chí thủ phạm có thể bị bắt giam trong thời gian ngắn.
Trở lại vụ ba bình gốm nhà Thanh bị vỡ, Nick Flynn đã trả lời phỏng vấn với báo chí, dù bảo tàng cẩn thận tránh gán trách nhiệm và nhắc đến tên anh ta. Kết quả, Flynn bị cảnh sát tạm giam một đêm, để xác định xem anh ta làm vỡ bình có mục đích không.
Hoặc như trường hợp Andrew Shannon đấm vào một bức họa trị giá khoảng 9 triệu đô la của Claude Monet. Shannon nói rằng mình vấp ngã và đó chỉ là tai nạn, nhưng các bằng chứng chỉ ra anh ta đấm bức tranh có chủ đích.
Người ta còn tìm thấy một hộp chất tẩy sơn trong túi của anh ta. Kết quả, Andrew Shannon bị kết án 5 năm tù giam.
Tất cả những sự việc trên dẫn đến một câu hỏi lớn rằng: Tại sao các tác phẩm giá trị và gần như không thể thay thế lại được trưng bày ở nơi mọi người dễ dàng tiếp cận và làm hỏng nó?
Một lý do chính là chi phi để trưng bày tất cả các bức họa, tác phẩm điêu khắc hay tranh tường đằng sau kính bảo vệ, hay có người giám sát, vô cùng tốn kém. Trái ngược với giá thị trường của các tác phẩm nghệ thuật, bảo tàng hay phòng triển lãm thường không mấy dư dả.
Lý do thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, bảo vệ quá cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng chiêm ngưỡng tác phẩm. Đảm bảo cho tác phẩm nghệ thuật được đánh giá đúng nghĩa là công việc quan trọng của người quản lý bảo tàng hay phòng tranh.
Lưu ý rằng, những người này phải giữ được sự cân bằng giữa khả năng tiếp cận của công chúng và sự an toàn của tác phẩm nghệ thuật. Sự cân bằng này đòi hỏi khách tham quan không sờ vào các kiệt tác vô giá và cẩn trọng khi ở gần chúng.