​Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump thua?

Minh Trung |

Cuộc bầu cử Mỹ năm nay chắc chắn thuộc về Donald Trump cho dù ông ấy có thua. Mà thật ra, đặc biệt là nếu ông ấy thua!

"Cuộc bầu cử Mỹ năm nay chắc chắn thuộc về Donald Trump cho dù ông ấy có thua. Mà thật ra, đặc biệt là nếu ông ấy thua!".

Đó là nhận định của nhà báo Mark Mardell, nhà quan sát đầy kinh nghiệm của chương trình “Thế giới trong tuần” trên Đài BBC radio 4. Ông Mardell gọi chiến dịch tranh cử Mỹ là nền dân chủ “ở trạng thái hừng hực nhất và cũng… đáng xấu hổ nhất”.

Cảnh báo hỗn loạn

Lý do cho nhận định của nhà báo Mardell rất đơn giản: những tác động/ảnh hưởng Trump đã gieo rắc sẽ không biến mất cho dù ông ấy có thất bại. Donald Trump gây sửng sốt cho thế giới không phải vì bản thân quá phi thường, cái chính là ông ấy đại diện cho tinh thần của một bộ phận đông đảo dân chúng Mỹ.

Câu ngạn ngữ “thắng một lá phiếu cũng là thắng” thật ra chỉ đúng một phần. Trận chiến có thắng có thua nhưng chiến tranh sẽ tiếp tục trong nhiều năm.

Tại Anh, câu nói “Brexit là Brexit” được dùng để khuyến khích phe thân Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận thất bại, nhưng người Mỹ với cơn giận trong đầu sẽ không cam chịu im lặng.

Nếu ông Trump thua, ông ấy có thể tiếp tục phản đối, dùng đến chiêu bài pháp lý hoặc đưa ra những cảnh báo “rùng rợn”.

Trong lịch sử nước Mỹ từng có một số nhân vật có sức ảnh hưởng như ông Trump xuất hiện. George Wallace là một ví dụ. Ông này tranh cử trong tư cách ứng viên độc lập năm 1968 với quan điểm bảo vệ sự phân biệt chủng tộc da trắng - da đen và chính sách kinh tế ưu đãi tầng lớp công nhân da trắng.

Wallace từng có câu nói “bất hủ”: “Có một sức mạnh phản ứng mạnh mẽ ở quốc gia này chống lại chính quyền lớn. Nếu các chính trị gia đứng ra cản trở, rất nhiều người trong số họ sẽ bị tông xe trên đường bởi một anh công nhân nhà máy dệt hoặc nhà máy thép!”.

Wallace đã thua nhưng những người ủng hộ ông ấy vẫn còn đó. Các công nhân nhà máy tiếp tục nhìn điều kiện sống và địa vị xã hội của họ đi xuống. Dư âm của sự bất mãn này tiếp tục kéo dài.

Nói ngắn gọn, dù ông Trump có biến mất trong nhục nhã sau ngày 8-11, di sản ông ấy để lại đủ sức biến đổi cả nền chính trị Mỹ.

Khó cho bà Hillary

Sau ngày ông Barack Obama được bầu làm tổng thống, "Tea Party" (Đảng Trà) gây dựng một phong trào lôi kéo những người bất mãn về chính sách thuế, giải cứu ngân hàng, mô hình chính quyền lớn…

Ông Trump ngày nay đặt những vấn đề này là trọng tâm của Đảng Cộng hòa, đổ lỗi cho tự do thương mại toàn cầu, dân nhập cư tràn lan là nguyên nhân gây bất an cho người da trắng.

Mà không chỉ giới công nhân, nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập tương đối cũng phải oằn mình gánh món nợ học phí, hóa đơn y tế khổng lồ suốt đời. Thử tưởng tượng những người này sẽ cảm thấy ra sao khi nghe chính phủ dùng tiền thuế để giúp đỡ dân nhập cư bất hợp pháp giữa lúc chính họ phải vật lộn với cuộc sống? Mục tiêu của ông Trump chính là đối tượng cử tri này.

Thử đặt trường hợp bà Clinton thắng cử, lúc đó chưa chắc chỉ có mỗi áp lực từ những người ủng hộ Donald Trump. Những đồng minh cánh tả của bà Clinton cũng có thể là mối nguy.

Cử tri ủng hộ ông Bernie Sander (đối thủ cũ của bà Clinton) chẳng hạn, họ có thể ghét Trump, nhưng họ tán đồng hành động tấn công nền móng chính trị cũ, người giàu có và quyền lực của ông này.

Một số khác không muốn Mỹ can thiệp quá sâu vào Trung Đông, căng thẳng quá với Nga… Vượt qua những thứ đó, bà Clinton vẫn còn phải chịu cái biển hiệu “bà ấy chiến thắng chỉ vì không phải là Trump” gắn bên ngoài Nhà Trắng.

Có thể gọi ông Trump là một người Mỹ điển hình, một tay con buôn dầu rắn chính hiệu. Chuyện kể ngày xưa ở miền Viễn Tây hoang dã, nhiều anh chị cao bồi đau ốm mua dầu rắn bán trên những chiếc xe ngựa nay đây mai đó.

Dầu rắn được quảng cáo là thần dược trị bá bệnh nhưng thực chất nó chẳng có tác dụng gì. Nhưng sau khi con bệnh đã xài mọi thứ thuốc, tại sao lại không thử? Rủi ro là gì? Chính trị cũng tương tự.

Về phần Đảng Cộng hòa, khi ông Trump càng tiến lên, họ càng mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Sớm hay muộn họ cũng phải đưa ra lựa chọn dứt khoát (kể cả phải quyết liệt chống toàn cầu hóa, tự do thương mại…). Nếu không làm vậy, dù hệ thống lưỡng đảng của Mỹ khá bền vững nhưng rủi ro một phong trào phản đối bùng nổ là có thật và ai biết nó sẽ dẫn đến điều gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại