Ở phiên giao dịch ngày 12/7, đồng euro đã rớt giá xuống mức ngang bằng đồng USD lần đầu tiên sau gần 20 năm. Đây là những hậu quả của tình trạng đồng tiền chung châu Âu rớt giá mạnh đối với nhiều khía cạnh của thế giới.
Lạm phát và sức mua
Theo cơ quan thống kê châu Âu – Eurostat, gần 1 nửa số hàng hóa nhập khẩu vào khu vực eurozone được thanh toán bằng USD, trong khi tỷ lệ hàng hóa được thanh toán bằng đồng euro là chưa đến 40%.
Ví dụ, dầu và khí đốt (thường được thanh toán bằng USD) ghi nhận giá tăng vọt trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine. Do đó, châu Âu phải chi trả nhiều hơn để thanh toán lượng hàng hóa đó bằng USD.
Isabelle Mejean – giáo sư tại Đại học Sciences Po, cho biết: "Khi đồng euro rớt giá, hàng hóa nhập khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn và do đó giá cũng đắt đỏ hơn. Yếu tố này sẽ thúc đẩy lạm phát và kéo sức mua của hộ gia đình đi xuống."
William De Vijlder – nhà kinh tế của BNP Paribas, nhận định, việc đồng euro có giá ngang USD sẽ có tác động cụ thể là số lượng người du lịch từ châu Âu đến Mỹ sẽ sụt giảm.
Do du khách châu Âu sẽ phải chi nhiều tiền hơn để đổi USD, nên chi phí du lịch đến xứ "cờ hoa" sẽ đắt đỏ hơn. Ngoài ra, việc di chuyển đến những nơi khác có đồng nội tệ được neo giá theo USD, chẳng hạn như Qatar hay Jordan, cũng có chi phí cao hơn. Ngược lại, du khách Mỹ đến châu Âu, Qatar hay Jordan lại được hưởng lợi từ diễn biến này của tỷ giá EUR/USD, vì sử dụng đồng USD sẽ giúp họ có thể mua sắm nhiều hơn ở châu Âu so với trước đây.
Đối với các doanh nghiệp
Ảnh hưởng của việc đồng euro giảm giá cũng tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động giao thương với nước ngoài và năng lượng như thế nào.
Philippe Mutricy – giám đốc nghiên cứu của ngân hàng đầu tư công Bpifrance, cho hay: "Các công ty xuất khẩu ra bên ngoài khu vực đồng euro được hưởng lợi từ việc đồng tiền này rớt giá vì giá hàng hóa của họ sẽ cạnh tranh hơn khi quy đổi sang USD. Ngược lại, các doanh nghiệp định hướng nhập khẩu lại gặp bất lợi."
Đối với các thợ thủ công địa phương – những người phụ thuộc vào nguyên liệu thô và năng lượng, nhưng lượng hàng hóa xuất khẩu ít, thì đồng euro suy yếu có thể khiến họ phải chịu áp lực chi phí. Trong khi đó, người chiến thắng lớn nhất khi đồng euro giảm giá là các lĩnh vực định hướng xuất khẩu như hàng không vũ trụ, ô tô, hàng xa xỉ và ngành sản xuất hóa chất.
Mutricy cho biết, những doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đối mặt với những cú sốc vì họ có thể chống lại biến động tỷ giá. Ông nói: "Họ đã mua trước ngoại tệ với tỷ giá có lợi, để tránh bị ảnh hưởng bởi sự biến động."
Đối với đà tăng trưởng và nợ
Đồng euro giảm giá khiến giá cả hàng hóa của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn, về mặt lý thuyết thì điều này sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Tuy nhiên, yếu tố tích cực này có thể giảm bớt phần nào khi giá hàng hóa vốn đã tăng cao do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine, đặc biệt là ở các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức.
Ngoài ra, tác động đối với việc thanh toán nợ cũng không lớn. Mejean giải thích, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao thì quốc gia đó sẽ có thể trả nợ càng sớm. Thị trường tài chính cho đến nay vẫn đánh giá nợ của EU là an toàn và lãi suất vẫn ở mức thấp. Đối với các quốc gia phát hành trái phiếu bằng USD, rõ ràng đồng euro rớt giá sẽ đẩy chi phí trả nợ lên cao.
Đối với các ngân hàng trung ương
Việc đồng euro giảm giá có thể tác động tiêu cực đến lạm phát có thể khiến NHTW châu ÂU (ECB) tăng lãi suất nhanh hơn. ECB đang chuẩn bị thắt chặt chi phí đi vay lần đầu tiên trong 11 năm vào tháng này.
De Vijlder cho biết: "Bạn có thể nói rằng ECB sẽ không phản ứng với việc giá hàng hóa tăng cao, nhưng thách thức trong việc giành lại quyền kiểm soát với lạm phát sẽ khó khăn hơn, khi biến động tỷ giá hối đoái đang đẩy giá nhập khẩu lên."
Banque de France cũng cho biết hồi cuối tháng 5 rằng đồng euro suy yếu có thể gây thêm áp lực cho ECB trong việc kiềm chế lạm phát.
Tham khảo Economic Times