Chuyện gì khiến vua Minh Tông và hai quan ngự sử tranh cãi suốt mấy ngày?

Lê Thái Dũng |

Trần Minh Tông là một trong số những vị vua vừa có tài vừa có đức. Hơn thế nữa, đây còn là vị vua vô cùng khoan dung độ lượng. Câu chuyện sau sẽ cho thấy rõ điều đó.

Vua được xưng tụng là "thiên tử" thay trời hành đạo, chăn dắt muôn dân; ý vua là ý trời; ấy vậy mà trong lịch sử có không ít chuyện ý vua bị bề tôi ngăn cản, can gián nhưng tranh cãi với vua trong mấy ngày liền có lẽ trên đời chỉ có một. Đây là câu chuyện giữa vua Trần Minh Tông và hai viên quan ở Ngự sử đài. 

Trần Minh Tông làm vua 15 năm (1314-1329) thì nhường ngôi để làm Thái thượng hoàng trong 28 năm (1329-1357), ông đã đem lại sự phát triển của đất nước và ổn định của vương triều Trần nên được sử sách ca ngợi: 

"Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày" (Đại Việt sử ký toàn thư). Còn sách Việt sử tiêu án chép: "Vua biết sửa sang chính trị tiến đến văn minh, làm sáng tỏ công nghiệp của tiền nhân; có lòng trung hậu, mở đường lối cho con cháu theo".

Chuyện gì khiến vua Minh Tông và hai quan ngự sử tranh cãi suốt mấy ngày? - Ảnh 1.

Tượng thờ Trần Minh Tông ở đền Trần – Nam Định

Việc quan tâm đến con cháu, nhất là chuyện trị nước của người kế vị được Trần Minh Tông thể hiện rõ trong lời căn dặn các con vào cuối năm Bính Thân (1356). Lúc đó ông bị ốm, thấy các Hoàng tử có mặt đầy đủ đứng hầu bên giường bệnh, Trần Minh Tông mới dặn rằng: "Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?".

Ông còn dụ thêm rằng: "Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi mà bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền,... Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền,...".

Sử sách còn ca ngợi Trần Minh Tông là vị vua hiền, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư nhà sử học thời Hậu Lê là Phan Phu Tiên có nhận xét như sau: "Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. 

Vua nói: "Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?". Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói: "Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay".

Cuộc tranh cãi kỳ lạ

Trần Minh Tông được đánh giá là vị vua tài, đặc biệt là ông rất giỏi biện luận, ứng đối. Sử sách ghi chép còn ghi chép được một số câu chuyện ông kiển trách các quan chức không làm tròn phận sự, nhưng có người còn cố giảo biện, chối bỏ nhằm tìm cách lấp liếm tội lỗi của mình, tuy nhiên tất cả đều bị Trần Minh Tông dùng lý luận bác bỏ khiến họ phải "tâm phục, khẩu phục". 

Dưới đây là một trong số các câu chuyện đó và câu chuyện kỳ lạ ở chỗ giữa vua và bề tôi đã có cuộc tranh cãi liên tục trong mấy ngày liền.

Chuyện xảy ra vào mùa thu, tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1342) được sách Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại như sau:

"Thượng hoàng ngự đến Ngự sử đài. Giám sát ngự sử Doãn Định và Nguyễn Như Vi bị bãi chức.

Bấy giờ đã trùng tu xong Ngự sử đài. Sáng sớm, Thượng hoàng ngự tới, Ngự sử Trung tán là Lê Duy theo hầu Thượng hoàng trở về cung rồi, Doãn Định và Nguyễn Như Vi mới đến. [Hai người] bèn làm sớ kháng nghị, nói là Thượng hoàng không được vào Ngự sử đài và hặc tội Lê Duy không biết can ngăn, lời lẽ rất gay gắt.

Thượng hoàng gọi đến dụ họ rằng: "Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử không được vào.Vả lại, trong Ngự sử đài xưa kia còn có chỗ để thiên tử giảng học, các bạ thư chi hậu dâng hầu bút nghiêng đều ở đó cả. Đó việc cũ thiên tử vào Ngự sử đài. Ngày xưa Đường Thái Tông còn xem Thực lục, huống chi là vào đài!".

Bọn Định còn cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi. Vua dụ họ hai, ba lần cũng không được, bèn bị bãi chức cả".

Chuyện gì khiến vua Minh Tông và hai quan ngự sử tranh cãi suốt mấy ngày? - Ảnh 2.

Bề tôi tranh cãi với vua

Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng có những ghi chép tương tự. Nhận xét về chuyện lạ lùng này, sử thần triều Hậu Lê là Ngô Thì Sĩ có lời bàn trong sách Đại Việt sử ký tiền biên như sau: 

"Thiên tử vào Ngự sử đài thì bọn Định nằm ở nhà đã là thiếu cái nghĩa ở công đường rồi, Thiên tử không hỏi đến, người hầu cùng hàng với mình cũng không hạch lỗi đã là rộng lượng lắm rồi, huống hồ lại cho là không nên vào đài mà can Thiên tử và hạch lỗi các bạn cùng hàng là không biết can vua hay sao. 

Xét ra đài, sảnh, viện, cục đều là cung phủ cả. Bậc vương giả có thể đến bất thần để xem xét quan lại làm việc, không thể so với việc đi chơi nơi khác. Vậy có gì là không nên mà đến nỗi phải dâng sớ nói gay gắt. Dụ trước mặt mà vẫn tranh cãi, dụ nhiều lần mà vẫn không thôi. Như thế cũng biết được vua Minh Tông là người biết bao dung đấy. 

Trên có vua biết bao dung mà dưới không có bề tôi trung thực đáp ứng để bày điều tốt, ngăn điều xấu, trừ bỏ điều gian tà, giúp đỡ về đạo đức. Chỉ có bọn Định điên cuồng càn rỡ nói những lời không đáng nói. Có thể nói là các bề tôi thời bấy giờ phụ lòng vua đấy!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại