Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là "đen tối nhất lịch sử Ai Cập", gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi?

HN |

Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là "đen tối nhất lịch sử Ai Cập", gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi?

Hơn 4.000 năm trước ở Ai Cập, hàng chục người đàn ông có lẽ đã phải trải qua cái chết vô cùng ghê gợn và đau đớn bởi những vết thương không thể khủng khiếp hơn. Họ đã được ướp xác và chôn tập thể tại một vách đá gần Luxor.

Mai táng tập thể vốn là điều đặc biệt hiếm thấy ở Ai Cập cổ đại. Vậy, thảm họa bí ẩn gì đã ập đến với những người vốn đã xấu số lại phải chịu cảnh chung mồ kia?

Những cái chết đẫm máu

Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ học đã ghé thăm hầm mộ bí ẩn của những chiến binh Ai Cập ở Deir el Bahari. Hầm mộ này được phát hiện từ năm 1923, nhưng sau đó bị niêm phong. Có điều, những mảnh lịch sử phân tích được từ các tàn tích của ngôi mộ và nhiều địa điểm khác ở Ai Cập đã ghép nên một chương kinh hoàng về Ai Cập cổ đại khoảng những năm 2150 TCN.

Thậm chí, các nhà khảo cổ nghiên cứu về vấn đề này đã thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Bí mật của người chết: "Thời khắc đen tối nhất của Ai Cập" ( Secrets of the Dead: Egypt's Darkest Hour). Nội dung phim khắc họa bức tranh về một thời đại ảm đạm và đầy náo loạn, châm ngòi cho những cuộc chiến đẫm máu giữa các phe phái cách đây 4.200 năm.

Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là đen tối nhất lịch sử Ai Cập, gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi? - Ảnh 1.

 Một trong những cuộc giao tranh đó có thể chính là nguyên nhân gây nên cái chết tang thương cho 60 người đàn ông bị chôn tập thể nói trên.

Nhà khảo cổ học Salima Ikram, giáo sư ngành Ai Cập học tại ĐH America ở Cairo cùng nhiều chuyên gia đã bắt đầu nghiên cứu các xác ướp này vào cuối tháng 9/2018. Các chuyên gia đã phải đi qua một đường hầm dài khoảng 61m. Trong gian hầm chứa đầy bộ phận cơ thể đã được tẩm ướp, và hàng đống băng vải đã bị xô xệch ra khỏi xác ướp.

Tất cả xác ướp ở đây dường như đều là của đàn ông và đều có dấu vết chấn thương nghiêm trọng. Sọ bị vỡ hoặc bị thủng do vũ khí gây nên, nhiều mũi tên vẫn còn mắc kẹt trong cơ thể. Một xác ướp thậm chí vẫn còn đeo một chiếc găng tay bảo vệ dành cho cung thủ.

 Những dấu hiệu này giúp Ikram và các chuyên gia khẳng định rằng họ đều là những chiến binh tử trận. Bà nhận xét: "Họ đã phải chịu cái chết đẫm máu và kinh hoàng."

Dù vậy các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định những chiến binh này đã trải qua cuộc chiến gì, thời điểm nào cho đến khi họ phát hiện ra những bằng chứng khác cho thấy sự kiện kinh hoàng cướp đi mạng sống của 60 người diễn ra trong thời kỳ xã hội Ai Cập biến động cực độ.

Sự sụp đổ của một vương triều

Philippe Collombert, nhà Ai Cập học tại ĐH Geneva ở Thụy Sĩ cho biết một số manh mối khác nằm trong lăng mộ của pharaoh Pepi II, vị quốc vương trị vì Ai Cập suốt gần 90 năm. Pepi II lên ngôi khi chỉ mới sáu tuổi và băng hà năm 94 tuổi, là một trong những vị pharaoh trị vì lâu nhất lịch sử Ai Cập.

Lăng tẩm của Pepi II tọa lạc tại Saqqara. Đó là một ngôi mộ lộng lẫy và tinh xảo, được cho xây dựng từ khi pharoh còn rất trẻ. "Có vẻ như vào thời điểm ấy, an ninh và chính trị của vương quốc vẫn chưa có dấu hiệu bất ổn," - Collombert phân tích.

Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là đen tối nhất lịch sử Ai Cập, gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi? - Ảnh 2.

Tuy nhiên vài chục năm sau đó, ngay khi Pepi II vừa được mai táng, mộ của ông đã bị cướp phá. Có bằng chứng còn cho thấy lăng tẩm của tiên đế Pepi I, cha của Pepi II cũng bị phóng hỏa.

Người Ai Cập cổ đại vốn rất tôn sùng pharaoh của họ. Một hành động vô cùng bất kính như cướp mộ sẽ khó xảy ra, trừ khi họ không còn xem vị pharaoh đó là thiên tử nữa và chính quyền cũng không còn đủ sức để kiểm soát chính trị.

Vào những năm cuối triều đại mà Pepi II cai trị, tầm ảnh hưởng của ông đã suy yếu. Sau khi ông mất, mực nước sông Nile cạn dần do hạn hán, dẫn đến nạn đói hoành hành. Không một anh em trai hay người con nào của ông có thể trị vì được lâu dài. Trong khi đó người cầm đầu các chính quyền địa phương ngày càng quyền lực. Lăng tẩm của họ thậm chí hoành tráng và xa hoa không kém gì của pharaoh.

Tại một địa điểm khác của Ai Cập, các nhà khoa học đã khai quật hầm mộ của một thống đốc cùng thời. Nó được xây dựng tại nghĩa địa Qubbet el Hawa ngay sau cái chết của Pepi II. "Hầm mộ khắc đầy cổ tự, ám chỉ sự rối loạn xã hội và nội chiến triền miên gây ra bởi sự xung đột giữa các phe phái chính trị do thiếu sự kiểm soát của một chính quyền duy nhất," - ông Antonio Morales, một nhà Ai Cập học tại ĐH Alcalá ở Madrid, Tây Ban Nha, cho biết trong bộ phim tài liệu.

Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là đen tối nhất lịch sử Ai Cập, gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi? - Ảnh 3.

Nạn đói và khát do hạn hán gây ra đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của vương triều vốn đã bất ổn và rối loạn này, Morales nói thêm. Bằng chứng là một dòng cổ tự khác trong lăng mộ của thống đốc đã viết "miền nam đất nước đang chết dần vì đói, đến nỗi cha mẹ ăn thịt chính cả con cái họ" "cả đất nước giống như một con châu chấu đói khát".

Khủng hoảng khí hậu trầm trọng kèm rối ren chính trị đã châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài suốt 130 năm. Những chiến binh được chôn tập thể kia có thể đã chết vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến thảm khốc. Họ có lẽ vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác vì vẫn được ướp xác và chôn cất.

Chuyện gì đã xảy ra trong thời khắc được xem là đen tối nhất lịch sử Ai Cập, gây nên cái chết đẫm máu của 60 chiến binh trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi? - Ảnh 4.

Tham khảo: Live Science, PBS

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại