Đã 7 năm kể từ ngày nhận hung tin chiếc tàu cá cùng 8 ngư dân mất tích trên biển, khắp thôn Minh Thành (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chưa hết ảm đạm. Làng chài trĩu nặng một nỗi niềm không tên!
Nỗi đau mất con
Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Xứ (SN 1956, trú thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) khi bà đang còng lưng dọn dẹp đống ve chai tích góp cả tháng nay để chuẩn bị bán. Bà bảo: “Đây là gia tài của vợ chồng già này đấy.
Gom cả tháng mới được từng này bán cũng được ba bốn trăm nghìn, không đủ tiền mua thuốc”. Khi được hỏi về câu chuyện năm xưa, bà Xứ khựng lại, nước mắt lăn dài trên hai gò má đen sạm với những vết nhăn chi chít. Nỗi đau mất con vẫn chưa thể nguôi.
Nhớ lại vụ chìm tàu khiến con trai Vũ Văn Biên tử nạn cách đây 7 năm, bà Xứ vẫn ám ảnh.“Con trai mất được một thời gian thì con dâu cũng ôm con bỏ đi. Căn nhà lạnh lẽo này chỉ còn hai ông bà già dựa vào nhau sống qua ngày cùng món nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng”, bà oà khóc.
Bà Xứ dọn dẹp đóng ve chai bán kiếm tiền mua thuốc
Bà Xứ kể: “Nhà có 3 anh em, nó là con út, học xong lớp 7 thì gia đình vay tiền để nó đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan đánh cá. Bao năm ở xứ người cũng không đủ trả nợ. Nó về nước, cưới vợ rồi vay vốn hai lần chung tàu, nhưng không may gặp nạn, giờ để lại một cục nợ”.
Sau khi vợ sinh được hơn 1 tháng, anh Biên vay mượn khắp nơi để góp vốn làm ăn vươn khơi dài ngày. Thế nhưng, tàu vừa ra khơi được một chuyến thì gặp nạn. Sau 28 tiếng lênh đênh trên biển, anh thoát nạn nhờ được một ngư dân người Quảng Trị cứu vớt.
Còn nước còn tát, anh tiếp tục góp vốn để đóng tàu NA 93240 TS do anh Bùi Hoàng Hiệp (SN 1984) làm thuyền trưởng. Sau 2 chuyến ra khơi bị thua lỗ do sản phẩm không bù được vào tiền dầu máy.
Đến lần thứ 3 này, với hứa hẹn một chuyến ra khơi thu đậm để sắm Tết thì tàu gặp nạn. 8 người chết và mất tích. Thi thể của anh Biên và anh Bùi Văn Hoài sau nhiều ngày cũng được tìm thấy ở Hà Tĩnh, 6 người khác hiện vẫn mất tích. “May mà xác nó còn được đưa về để gia đình còn được nhìn thấy hình hài lần cuối không thì day dứt, xót xa cả đời”, bà Xứ vừa khóc vừa nói như tự động viên chính mình.
Gia đình bà Xứ được xem là khó khăn nhất trong các gia đình có ngư dân tử nạn. Chồng bà, ông Vũ Quang Trung (SN 1953) sau khi đi bộ đội về, bám biển nuôi gia đình. Không có điều kiện mua sắm tàu lớn, ông chỉ dùng thuyền nhỏ của gia đình đánh bắt vùng lộng đi trong buổi rồi về. Nhưng thời gian đã khiến chàng ngư phủ năm nào kiệt sức.
Giờ ông Trung thường xuyên bị những cơn đau xương khớp hành hạ, chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ. Còn bà Xứ cũng bị căn bệnh u hàm ếch, phải thường xuyên ra bệnh viện K (Hà Nội) chữa trị. Bệnh này chưa khỏi, lại trồi ra bệnh khác.
Sau khi con trai mất, bà Xứ vì quá xúc động, thương xót con nên khóc ròng rã suốt cả tháng trời khiến đôi mắt của bà mờ dần. Các bác sỹ bệnh viện Mắt Hà Nội chẩn đoán bà bị đục thủy tinh thể.
Gác lại nỗi đau thể xác, bà Xứ lo sẽ không có nhà ở vì số tiền lãi hằng tháng vượt quá khả năng chi trả, khi thuyền tan, con mất. “Cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo bám, có bữa hai ông bà không có cái ăn. Giờ tôi biết vay mượn ở đâu để lo thuốc men, rồi còn trả nợ số tiền khổng lồ đó”, bà Xứ nói trong nước mắt.
Chỉ mong bình an
Cách nhà bà Xứ vài ngõ, bà Bùi Thị Cửu (SN 1955), mẹ của nạn nhân Bùi Văn Hoài được tìm thấy sau vụ chìm tàu kinh hoàng ấy cũng chưa quên nỗi đau mất con. Sau khi con trai bỏ mạng trên biển, chị Bùi Thị Lý (vợ anh Hoài) chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền nuôi gia đình, 3 đứa con nhỏ giao cho bà Cửu trông nom.
Ba em Bùi Quang Đạt (SN 2007), Bùi Thị Quế Trân (SN 2010) và Bùi Bảo Nam (SN 2013) giờ đều đã lớn khôn và học giỏi. Vừa đi học về, Quế Trân và Bảo Nam đã chạy lại ôm lấy bà nội. Khẽ ôm các cháu vào lòng, bà Cửu nghẹn ngào: “Giờ tôi chỉ mong cho các cháu khỏe mạnh, học giỏi, luôn vui vẻ và bình an. Thế là quá đủ rồi”.
Nơi gian nhà chính, bàn thờ anh Bùi Văn Hoài ấm áp khói hương. Anh Hoài chính là một trong 8 ngư dân gặp nạn vào cuối năm 2013. “Chồng nó mất rồi chẳng biết trông vào đâu nữa. Mấy năm ni con Lý phải chạy khắp nơi làm việc, góp nhặt từng đồng về nuôi con. Tôi già cả rồi, chỉ biết ngồi nhà ôm cháu thôi”, bà Cửu nói.
Rạng sáng ngày 17/12/2013, cả thôn Minh Thành như chết lặng khi thi thể anh Hoài cùng anh Biên được di chuyển về đến nhà. Từ ngày đó, bà Cửu không còn nước mắt khóc con, chị Lý cũng như người vô hồn.
Chị còn quá trẻ, 3 đứa con còn quá nhỏ dại để phải chịu đựng nỗi đau.7 năm trôi qua, chị vẫn “lẻ bóng”, cố gắng làm lụng kiếm tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành. Nói về người con dâu goá phụ, bà Cửu dường như có sự đồng cảm sâu sắc:“Nó siêng lắm, đi làm quần quật từ sáng tới tối mịt. Thương con, tôi ở nhà cũng giúp nó bảo ban các cháu chăm chỉ học hành, không phụ công mẹ”.
Bà Bùi Thị Cửu chỉ cầu mong các cháu khoẻ mạnh, bình an
Chiều muộn, sóng vẫn rì rầm, biển mù mờ... Mặc cho giá rét hanh khô, làng biển vẫn thấp thoáng bóng những người phụ nữ ngồi ven bờ mặt hướng về Đông ngóng con, chờ chồng. Đó là người thân của những ngư phủ vẫn chưa tìm thấy thi thể. Bao người ngồi tựa vào nhau suốt đêm, chong mắt ra biển xa.
Những ngày cuối năm, người “làng vọng phu” thành tâm hương khói cho người đã khuất với chỉ một nguyện ước: “Cầu cho sóng yên, biển lặng”. Nhưng, có phải “cầu được ước thấy” đâu, năm nào cũng vậy, có người đi, đi mãi không về!