Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam

Thảo Nguyên |

Tiêu đề bài hát “What doesn’t kill you make you stronger” (tạm dịch: Điều gì không giết chết bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn) của Kelly Clarkson có lẽ khắc hoạ chính xác nhất hình ảnh của những người làm nghề lẫn doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong bối cảnh 2 năm tàn phá bởi dịch Covid-19.

Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam - Ảnh 1.

22h30 đêm ngày 1/10, anh Lâm Văn Diệp vừa huýt sáo vừa khoá cửa tiệm hớt tóc của em trai nằm tại quận Bình Tân. Hôm nay là một ngày bận rộn nhưng rất vui với những người làm nghề như anh.

Nhiều người gọi đây là ngày "toàn dân đi cắt tóc" khi Tp.HCM cho phép các tiệm hớt tóc mở cửa, đón 50% công suất khách. Người dân nô nức kéo đến các cửa tiệm, thậm chí có những người chờ cả tiếng vẫn chưa đến lượt.

Nhiều khách quen của tiệm đều biết anh Diệp vốn là một hướng dẫn viên du lịch với mức thu nhập cao. Thế nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống và sự nghiệp của anh chao đảo.

Ngành du lịch trì trệ khiến anh Diệp không thể duy trì nghề hướng dẫn viên và buộc phải chuyển đủ thứ nghề từ bán trà chanh, cháo cua đồng để kiếm sống. Thế nhưng công cuộc khởi nghiệp không hề dễ dàng với kẻ tay mơ không nắm được nhu cầu của thị trường.

Không bỏ cuộc, cựu hướng dẫn viên du lịch này chuyển qua làm quản lý cửa hàng tóc cho em trai. Công việc này tạo điều kiện cho anh giúp được em trai, kiếm thu nhập thêm cho tiệm. Thế nhưng văn bản của UBND Tp.HCM tạm ngưng cơ sở hớt tóc, làm đẹp một lần nữa buộc anh Diệp phải tiếp tục chuyển nghề. Lần này, anh chọn dạy tiếng Anh giao tiếp trực tuyến.

"Những biến cố này đến khiến ai cũng hoang mang. Không hiểu sao trong bản thân của Diệp luôn có ý chí rằng mình không được khuất phục trước khó khăn. Giống như thua keo này ta bày keo khác, mình còn trẻ, còn khỏe thì không được bi luỵ", anh ngậm ngùi tâm sự.

Theo anh, những công việc này giúp nuôi sống bản thân trong thời gian ngắn hạn đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê du lịch để anh chờ này trở lại với nghề.

Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bùi Bình, một đồng nghiệp của anh Diệp cũng rẽ lối sang một nghề hoàn toàn mới khi dịch Covid-19 diễn ra. Con đường trở thành TikToker dường như mang lại hiệu ứng vượt mong đợi của hướng dẫn viên du lịch này.

"Mình rất nhớ nghề. Mình rất nhớ cảm giác cầm microphone trò chuyện với du khách, nhớ cảm giác được chỉ trỏ, giới thiệu cho du khách những danh lam thắng cảnh, di tích. Mình nhớ cảm giác được nói, được chia sẻ. Chính vì thế mình tìm đến nơi được nói, được chia sẻ", anh nhớ lại lý do tìm đến TikTok.

Là người ăn nói có duyên, ngoại hình ưa nhìn, và vẫn nỗ lực đi theo hướng riêng về du lịch lịch sử, hiện TikToker này có 1,1 triệu lượt like, 14,7 triệu người theo dõi trên mạng xã hội này. Anh dần có thêm thu nhập từ quảng cáo, cũng như nhận được lời mời dẫn chương trình từ các đài truyền hình.

"Lửa thử vàng gian nan thử sức. Sự kiện này là thử thách cho mình và tất cả mọi người. Mình tin rằng sau 1 cơn mưa bầu trời sẽ sáng trở lại", anh Bình lạc quan chia sẻ.

Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam - Ảnh 3.

Anh Diệp và anh Bình có thể xem là gương mặt điển hình cho tác động lớn của Covid-19 đến những người làm nghề du lịch. Số liệu từ Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ trong một buổi tọa đàm mới đây càng khắc họa rõ thêm sự chao đảo của ngành này.

Theo đó riêng trong đợt bùng dịch lần thứ tư vào đầu tháng 5 đến nay, có đến 90% doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn có thể tồn tại được, nhờ vào dự trữ tài chính của những năm trước đó.

"Dịch Covid tác động tiêu cực chung đến nền kinh tế. Ngành du lịch có thể xem là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có nhiều số liệu báo cáo khảo sát công bố cho thấy tỷ lệ người lao động mất việc phải đến 60-70%, 90-95% các doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động.

Hàng loạt khách sạn đóng cửa, các đường bay dừng trong thời gian dài và mới được bay trở lại thời gian gần đây. Thêm một số liệu nữa là chỉ còn 20% đại lý vé máy bay đang hoạt động. Có thể nói 2 năm vừa qua cực kỳ khó khăn với toàn ngành du dịch.

Tuy nhiên đến hiện tại ngành đã bắt đầu có điểm sáng với nỗ lực tiêm vaccine cũng như những động thái thay đổi chiến lược của Chính phủ. Có thể nói các doanh nghiệp trong ngành đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chúng tôi thường nói đùa rằng khi xuống đáy rồi thì chỉ có đi lên được thôi. Không thể tệ hơn được nữa", tân CEO Nguyễn Thành Việt của Vntrip tâm sự.

Vntrip là một ví dụ vượt bão Covid-19 khá thú vị trong ngành du lịch. Hồi giữa tháng 10, Nhà sáng lập Lê Đắc Lâm tiết lộ doanh nghiệp này không bị quật ngã, thậm chí còn vượt lên sau đợt bùng phát dịch vừa rồi. CEO Nguyễn Thành Việt cũng cho biết mặc dù họ cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn như những doanh nghiệp khác trong ngành.

May mắn nhất với Vntrip là nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà đầu tư, sẵn sàng đồng hành trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, việc sớm tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp đã giúp Vntrip tạo được những lợi thế khi bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc.

Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam - Ảnh 4.

Công ty này cũng buộc phải tái cơ cấu và tìm hướng đi mới. Họ dừng hết các hoạt động liên quan đến du lịch nghỉ dưỡng, tập trung vào mảng mới phục vụ doanh nghiệp có nhu cầu cần duy trì hoạt động.

Để đáp ứng quy định phòng chống dịch như "một cung đường, hai điểm đến", những doanh nghiệp này phát sinh nhu cầu đặt khách sạn, phương tiện di chuyển cho nhân viên, công nhân nhằm duy trì sản xuất. Nắm bắt được điều này, Vntrip nhanh chóng cung cấp dịch vụ trọn gói cũng như các dịch vụ kèm theo như vé chuyến bay cho chuyên gia.

CEO Vntrip cho biết có nhiều doanh nghiệp thuê nguyên cả khách sạn để cho cán bộ công nhân viên ăn ơ, cũng như dịch vụ xe đưa đón hàng ngày từ khách sạn đến nhà máy.

Ngay cả thời điểm hiện tại những khách hàng của Vntrip vẫn duy trì việc thuê khách sạn để đảm bảo an toàn, giữ chân người lao động. Những hoạt động này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tuyển dụng, đào tạo lại mới khi mất nhân sự. Anh Việt tiết lộ khách hàng của họ là những doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy tại các khu công nghiệp.

"Nhờ vậy doanh thu Vntrip không sụt giảm quá nhiều. Chúng tôi hài lòng với những cái đã đạt được trong thời gian vừa qua.", CEO Nguyễn Thành Việt tiết lộ.

Lãnh đạo Vntrip thừa nhận họ không có chiến lược hay bí kíp nào cố định để vượt qua làn sóng Covid vừa rồi. Bởi, chiến lược nào đều sẽ thay đổi trước hoàn cảnh, điều quan trọng là sự đồng lòng của đội ngũ, con người là yếu tố quan trọng nhất. Mấu chốt giúp công ty này vượt bão chính là sự linh hoạt.

Lật ngược lại vấn đề, dịch Covid-19 cũng là cú hích đối với Vntrip, khi nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn tới chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí. Nắm bắt được nhu cầu này, Vntrip cũng thay đổi chiến lược, tập trung vào những thế mạnh của mình để phục vụ khách hàng doanh nghiệp với mảng dịch vụ mới về quản trị công tác.

Sự thay đổi này được kỳ vọng giúp công ty sớm vượt qua đại dịch cũng như lớn mạnh hơn trước khi trở lại với cuộc chiến với những ông lớn OTA nước ngoài như Agoda, Booking.

Chuyến du hành khắc nghiệt của những người làm du lịch ở Việt Nam - Ảnh 5.

Giai đoạn 2015-2019 du lịch Việt Nam phát triển hàng đầu tại khu vực và thế giới, với doanh thu và số khách luôn tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, có những năm lên đến 25%. Riêng trong năm 2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 18 triệu lượt, cùng với đó là hơn 90 triệu lượt khách nội địa và doanh thu từ du khách đạt trên 700.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 là phải đạt 35 triệu lượt khách quốc tế, để có thể vượt qua Malaysia, Singapore và đuổi kịp Thái Lan.

Riêng trong năm 2020, ngành du lịch tính toán phải đạt được trên 20 triệu lượt khách quốc tế, hơn 95 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch phải đạt ít nhất là 700.000 tỷ đồng, đóng góp 12% vào GDP cả nước. Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, không chỉ riêng Việt Nam mà ngành du lịch thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 từ năm 2020. Chúng ta chịu tác động chậm hơn một chút, đến khoảng đầu quý 1/2020 thì dịch mới bắt đầu bùng phát ở Việt Nam.

Kết quả trong năm 2020 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu ở giai đoạn đầu năm và 56 triệu lượt khách nội địa. Con số này giảm đến gần 80% so với năm 2019 và doanh thu du lịch chỉ đạt khoảng 312.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề hơn do tác động từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đặc biệt tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Doanh thu từ ngành chủ lực tiếp tục giảm 42% so với năm 2020, chỉ còn 137.000 tỷ đồng.

"Hiện tại, các doanh nghiệp đang chờ đến thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, để mở cửa đón khách du lịch nội địa cũng như du khách quốc tế trở lại. Đó là niềm vui chớm nở chúng ta kỳ vọng có thể đón khách du lịch nội địa vào dịp Noel, Tết Tây, Tết Nguyên đán và đặc biệt là cao điểm hè sắp tới", Chủ tịch Hiệp hội du lịch cho hay.

Niềm hi vọng được gửi gắm vào đầu năm 2022, khi vaccine đã được bao phủ trên thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có thể mở cửa đón lại khách quốc tế. Và khi Việt Nam đã an toàn và mạnh dạn đón khách quốc tế, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ trở lại và có những bước tiến cao hơn trước rất nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại