Sự ra đi của đạo diễn Dương Khiết đã khiến người hâm mộ phim Trung Quốc nói chung và bản Tây Du Ký 1986 nói riêng hết sức bất ngờ, bàng hoàng và cũng xót xa.
Bà đã từng làm đạo diễn cho khá nhiều phim nhưng nổi tiếng nhất vẫn là phiên bản phim Tây Du Ký năm 1986.
Trong suốt 6 năm liền, Dương Khiết đã bỏ rất nhiều tâm huyết vào bộ phim này và thành công của bộ phim là sự đền đáp xứng đáng nhất cho bà.
Có thể nói, nếu như không có sự tận tâm và dẫn dắt của đạo diễn Dương Khiết thì e rằng đã không thể có một bản Tây Du Ký kinh điển đến như vậy.
Ước mơ làm một bộ phim truyền hình đúng nghĩa
Dương Khiết (sinh năm 1929) từ nhỏ đã rất yêu thích các tác phẩm văn học cổ đại và lần đầu tiên bà đọc Tây Du Ký khi mới 8 tuổi.
Tứ đại danh tác của Trung Quốc bao gồm Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Thủy hử và Tam Quốc diễn nghĩa bà đều đọc hết cả nhưng ấn tượng nhất với Hồng Lâu Mộng.
Bà từng mơ ước làm đạo diễn, đưa Hồng Lâu Mộng từ tác phẩm văn học trên sách vở trở thành một bộ phim truyền hình nhưng đến tận lúc qua đời, bà vẫn không thể làm được.
Năm 1958, Dương Khiết được nhận vào làm tại Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và 3 năm sau đó, bà trở thành đạo diễn cho một số chương trình kịch.
Bà từng làm đạo diễn cho một chương trình có sự tham gia của chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1976 và gây tiếng vang với vở kịch Hương La Phách.
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Dương Khiết cũng đề nghị với lãnh đạo của CCTV về việc làm phim truyền hình nhưng bị khước từ. Khi ấy có nhiều người cho rằng, phim truyền hình là một thứ gì đó xa xỉ và lạ lẫm ở Trung Quốc, muốn làm thì phải tốn nhiều tiền và thời gian.
"Cô muốn làm phim truyền hình? Thôi, cứ để các đạo diễn có chuyên môn làm đi." Quả thực, Dương Khiết khi ấy không phải là một đạo diễn chuyên môn về làm phim, bà chỉ là đạo diễn môn nghệ thuật Hý khúc mà thôi.
Nhưng rồi đến tháng 11/1981, một vị lãnh đạo cao cấp của CCTV bỗng nhiên ngỏ ý với bà rằng: "Dương Khiết, nếu để cô quay Tây du ký, cô có dám nhận không?"
Lời đề nghị này như khiến giấc mơ làm phim truyền hình của Dương Khiết trỗi dậy, bà nhanh chóng nhận lời, cầm theo khoản kinh phí khổng lồ khi ấy là 6 triệu NDT để chuẩn bị làm phim.
Khi ấy, Dương Khiết có yêu cầu rất cao với bản truyền hình của Tây Du Ký, bà nhất định phải làm ra một bản phim còn hay hơn bản của Nhật Bản đã làm trước đó.
Quyết không nản lòng trước khó khăn gian khổ
Đạo diễn Dương Khiết tham gia vào quá trình làm phim từ đầu đến cuối, từ việc tuyển chọn êkíp làm phim, biên kịch, diễn viên,… cho đến những địa điểm chọn làm nơi quay phim. Sức khỏe của Dương Khiết không tốt, thời còn trẻ bà từng mắc bệnh phổi nhưng bà vẫn dành toàn bộ tâm huyết của mình vào trong bộ phim.
Đạo diễn Dương Khiết và chồng, nhà quay phim Vương Sùng Thu.
Nhà quay phim Vương Sùng Thu – chồng của Dương Khiết cũng từng nói về bà rằng: "Sáu năm quay phim, người trong đoàn nhiều vô kể. Nếu bà ấy không nghiêm khắc, làm sao quản lý nổi cả đoàn."
Dương Khiết là đạo diễn, là người đứng đầu, bà phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho quá trình làm phim, để làm được, bà cần phải nghiêm túc và nghiêm khắc.
Nhưng, đạo diễn Dương Khiết quản lý cả đoàn làm phim như cách cư xử đối với những người thân trong một gia đình.
Không có sự phân cấp giữa đạo diễn, diễn viên hay những người phụ trách hậu trường, ai cũng giống như nhau cả, chẳng có gì khác biệt.
Khi làm phim, Dương Khiết đã ngoài 50 nhưng bà vẫn bưng bê đồ đạc giúp đỡ cho các nhân viên, không quản ngại việc nặng nhọc. Bà lên lịch, cố gắng sắp xếp cho mọi người trong đoàn làm phim có thể nghỉ ngơi thật tốt, có đủ tinh thần để tiếp tục quay phim.
"Hồi đó tinh thần phấn chấn, vui vẻ, ai nấy theo đuổi nghề nghiệp một cách vô tư, kiên trì, say mê. Không giống diễn viên bây giờ, ra đến cửa là có vệ sĩ, trợ lý.
Nếu bây giờ bảo một diễn viên ở trong đoàn làm phim sáu năm, có lẽ không ai dám nghĩ đến." Ông Vương Sùng Thu từng chia sẻ về kỷ niệm thời còn trong đoàn làm phim Tây Du Ký.
Trong Tây Du Ký, cuộc hành trình của thầy trò Đường Tăng phải đi qua nhiều nơi khác nhau nên đạo diễn Dương Khiết đã chọn quay ở khá nhiều thành phố ở Trung Quốc.
Bà khi ấy cầm trong tay 6 triệu NDT, một con số làm phim rất lớn thời đó nhưng không đủ để chi trả cho nhiều khoản khác nhau.
Từ bà cho cho đến diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim, ai cũng nhận được một khoản thù lao ít ỏi mang tính tượng trưng, nhiều nhất cũng chỉ có Lục Tiểu Linh Đồng là nhận được 70 NDT/ tập mà thôi.
Thậm chí đến lúc thiếu diễn viên, những nhân viên hậu trường cũng đành phải xuất hiện trong kha khá những phân đoạn trong phim.
Thế nhưng tinh thần nhiệt huyết của tất cả mọi người trong đoàn làm phim vẫn không giảm, họ cùng nhau muốn tạo nên một tác phẩm để đời.
Vấn đề tiền bạc luôn khiến Dương Khiết phải lo lắng. Bà muốn làm một bộ phim chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật nhưng quan trọng, chi phí để làm được lại rất lớn.
Trong khi đó, nhà sản xuất chủ trương tiết kiệm hết mức có thể khiến bà từng cùng nhà sản xuất cãi nhau lớn. Cuối cùng bà đã thắng, còn được đảm nhận luôn phần việc chịu trách nhiệm sản xuất.
Nhưng sau khi đã có được một số quyền khác trong việc làm phim, đạo diễn Dương Khiết lại tiếp tục trăn trở về những cảnh quay kỹ xảo trong phim.
Thời ấy còn thô sơ lạc hậu, các diễn viên đều phải tự mình quay những cảnh có tính nguy hiểm cao, đặc biệt là Lục Tiểu Linh Đồng.
Dương Khiết khi ấy không thể làm gì nhiều, bà chỉ có thể động viên tất cả những thành viên trong đoàn làm phim mà thôi.
Cảnh kỹ xảo thời đó vẫn còn thô sơ, các diễn viên đa phần phải tự mình quay những cảnh mạo hiểm. Nhưng chính điều đó đã đem lại sự chân thực và gần gũi nhất cho khán giả.
Những gian nan vất vả cuối cùng cũng được đền đáp
Trong một buổi phỏng vấn cách đây cũng 5,6 năm, đạo diễn Dương Khiết cũng từng nói về những bản Tây Du Ký được làm lại, điển hình là bản của Trương Kỷ Trung năm 2011.
"Tôi xem bản Tây du ký của Trương Kỷ Trung. Hồi quay phim này, Lục Tiểu Linh Đồng và Trương Kỷ Trung cãi nhau rất kịch liệt vì nhiều vấn đề xoay quanh nội dung phim.
Tác giả nguyên tác đã qua đời, tôi cũng không có quyền khuyên bảo người khác, can thiệp công việc của người khác. 100 đạo diễn làm Tây du ký thì có 100 bản khác nhau.
Cách nhìn nhận duy nhất của tôi là, danh tác cổ điển là tinh hoa văn hóa, chúng ta cần thận trọng khi xử lý tác phẩm. Đừng sửa bừa bãi, đừng thêm nội dung một cách thiếu căn cứ."
Có thể thấy, đạo diễn Dương Khiết rất tôn trọng nguyên tác gốc của Ngô Thừa Ân, bà cũng không tự ý thay đổi, cắt đi hay thêm vào những chi tiết nào đó.
Chính tinh thần tôn trọng nguyên tác này đã khiến Dương Khiết ghi điểm tuyệt đối trong mắt khán giả. Cách làm phim của bà cũng được đánh giá cao, nội dung chặt chẽ, những cảnh quay tuy có phần thô sơ nhưng lại rất gần gũi và chân thực.
Tây Du Ký trở thành một trong những bộ phim có tỷ suất người xem cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hàng năm, Tây Du Ký vẫn được chiếu lại nhưng khán giả vẫn rất háo hức đón chờ từng tập phim, đủ thấy sức ảnh hưởng, niềm yêu thích của bộ phim này lớn đến mức nào.
Tính từ ngày đầu khởi quay bộ phim cho đến nay cũng đã 35 năm, sau Tây Du Ký 1986 cũng có không ít những phiên bản làm lại của Trương Kỷ Trung, Châu Tinh Trì, Trương Vệ Kiện,…
Nhưng ai cũng có thể thấy rằng, sẽ chẳng có một bản phim nào có thể vượt qua Tây Du Ký 1986 và để lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả nhiều thế hệ như Tây Du Ký.
Bộ phim Tây Du Ký 1986 thành công là nhờ tất cả mọi người trong đoàn làm phim, nhưng công lớn nhất thuộc về đạo diễn Dương Khiết.
Nếu không có sự dẫn dắt của bà, không có sự tận tâm ấy thì liệu Tây Du Ký 1986 liệu có thể trở thành một bản phim kinh điển nhất hay không?