Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm "Sắc Giới"

Hoàng Linh |

Ánh hào quang chói lọi của sự nghiệp không thể che hết đi cuộc đời đầy bi kịch của Trương Ái Linh.

Tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 1.

Trương Ái Linh có tên thật là Trương Anh, sinh năm 1920 trong một gia đình "trâm anh thế phiệt", cả ông nội và ông ngoại đều là quan lớn thời nhà Thanh. 

Tuy nhiên từ nhỏ, Trương Ái Linh đã không có cuộc sống êm ấm bởi bố bà là ông Trương Chí Nghi cùng mẹ là Hoàng Tú Quỳnh tính cách hoàn toàn trái ngược. 

Ông Trương Chí Nghị là người mang nặng tư tưởng phong kiến bảo thủ và lạc hậu, trong khi bà Hoàng Tú Quỳnh lại khuyến khích các con đến với văn hóa phương Tây.

Năm 1923, ông Trương Chí Nghị cưới thêm vợ bé và bắt đầu sa vào nghiện ngập khiến bà Hoàng Tú Quỳnh hết sức tức giận, một mình bỏ sang Anh. 

Sau đó 4 năm, bà Hoàng Tú Quỳnh trở về, cố gắng khuyên ngăn chồng từ bỏ thuốc phiện nhưng ông không chịu nghe. Biết rằng không thể làm được gì, bà quyết định cùng chồng ly hôn năm 1930, Trương Ái Linh và em trai Trương Tử Tĩnh sống cùng với bố.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 2.

Cho đến năm Trương Ái Linh 18 tuổi, bà đã xung đột với bố cùng mẹ kế, bà đã chuyển đến sống cùng mẹ đẻ Hoàng Tú Quỳnh. 

Từ nhỏ đã được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây nên Trương Ái Linh biết được cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh và đến năm 1939, bà nhận được học bổng toàn phần của Đại học London nhưng vì chiến tranh nên không thể đi. 

Sau đó, bà chọn ngành Văn học Anh tại Đại học Hong Kong nhưng năm 1941, Hong Kong bị chiếm đóng nên bà không thể hoàn thành việc học.Vì vấn đề tài chính, bà cũng không thể về Trung Quốc.

Thành công trong sự nghiệp và hàng loạt bi kịch cuộc đời

Khi còn nhỏ, Trương Ái Linh đã được đọc Hồng Lâu Mộng và đây chính là tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp sau này của bà. 

Bà bộc lộ tài năng văn học từ rất sớm qua các bài viết được đăng trên tập san của trường. Năm 12 tuổi, bà viết cuốn đoản thiên tiểu thuyết đầu tay.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 3.

Năm 1943, Trương Ái Linh đến Thượng Hải và gặp được biên tập viên nổi tiếng Chu Sấu Quyên, cũng đưa cho ông xem tác phẩm của mình. 

Chu Sấu Quyên rất ủng hộ những tác phẩm của Trương Ái Linh, giúp bà trở thành một trong những nữ nhà văn mới nổi tiếng của đất Thượng Hải khi đó.  Cùng năm đó, bà cho ra tác phẩm Khuynh thành chi luyến, tạo nên một cơn sốt lớn trong làng văn học thời bấy giờ.

Cũng trong năm 1943 bà gặp người chồng đầu tiên Hồ Lan Thành khi bà mới 23 còn ông thì đã 37 tuổi. Họ tổ chức một đám cưới đơn giản năm 1944, khách mời duy nhất là bạn của Trương Ái Linh, Fatima Mohideen.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 4.

Trương Ái Linh và người chồng đầu tiên – Hồ Lan Thành.

Nhưng bi kịch từng xảy đến với mẹ của Trương Ái Linh cũng bắt đầu tiếp diễn với chính bà khi Hồ Lan Thành sau vài tháng cưới đã ngoại tình. 

Vì cộng tác với người Nhật trong Thế chiến 2 nên Hồ Lan Thành bị chửi là kẻ phản bội, Trương Ái Linh cũng bởi chuyện này mà gặp không ít rắc rối. 

Năm 1947, Trương Ái Linh cùng Hồ Lan Thành chính thức ly hôn sau 3 năm sống cùng nhau và họ cũng không có con chung. 

Nhiều người cho rằng, truyện Sắc giới mà Trương Ái Linh viết là dựa trên cuộc sống của bà với Hồ Lan Thành. 

Khoảng thời gian sau khi ly hôn, Trương Ái Linh tập trung viết truyện, cho ra Bán sinh duyên, Kim tỏa ký,… và bà được công nhận là nhà văn nổi tiếng nhất Trung Quốc thời kỳ đó. 

Bên cạnh việc viết truyện, Trương Ái Linh cũng là biên kịch cho hàng loạt phim như Unending Love, The June Bride, The Wayward Husband,… Trong vòng 17 năm, bà đã viết ra kịch bản cho 13 bộ phim.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 5.

Sắc giới là truyện viết về chính cuộc sống hôn nhân của Trương Ái Linh và người chồng đầu tiên? Chẳng ai có thể phủ nhận được sự tương đồng giữa cuộc sống của bà với nhân vật Dịch phu nhân khi bị chồng phản bội.

Sau khi làm việc 3 năm ở Trung tâm Thông tin Hoa Kỳ tại Hong Kong, năm 1955 Trương Ái Linh sang Mỹ và không còn trở lại Trung Quốc lần nào nữa. 

Trong thời gian ở MacDowell Colony, New Hampshire, Trương Ái Linh đã gặp  Ferdinand Reyher, một biên kịch người Mỹ. 

Trương Ái Linh sau đó mang thai con của Reyher nhưng ông không muốn và bà đã quyết định phá thai. Ngày 14/8/1956, họ tiến đến hôn nhân và chuyển đến sống ở New York. 

Bốn năm sau, bà chính thức trở thành công dân Mỹ và đến Đài Loan tìm kiếm thêm cơ hội phát triển sự nghiệp trong 2 năm liền. 

Nhưng cuộc sống hạnh phúc không được bao lâu thì tháng 10/1967, Ferdinand Reyher đã qua đời sau một loạt các cơn đột quỵ. Kể từ đấy, Trương Ái Linh cũng không tái hôn nữa.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 6.

Trương Ái Linh và người chồng thứ 2.

Năm 1972, Trương Ái Linh chuyển đến sống ở California, vẫn tiếp tục với việc viết truyện, cho ra những tác phẩm nổi tiếng như Sắc giới, Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng, Hoa hồng trắng hoa hồng đỏ,… 

Tác phẩm của bà đã từng được chuyển thể thành phim nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Sắc giới (2007) của đạo diễn Lý An do Lương Triều Vỹ và Thang Duy đóng chính. 

Truyện của Trương Ái Linh gây ấn tượng là bởi bà chỉ tập trung vào cuộc sống đời thường chứ không có những ẩn dụ về chính trị như nhiều nhà văn khác. 

Những câu chuyện bi kịch về tình yêu nam nữ của Trương Ái Linh cho đến nay vẫn được rất nhiều độc giả yêu thích và tán thưởng. 

Tờ New York Time từng nói về bà là: "Trương Ái Linh, một tiểu thuyết gia và cây bút truyện ngắn nổi tiếng - người đã mài sắc những nghiên cứu tâm lý đầy tinh tế và ngôn từ chuẩn xác đã được ca ngợi như một bậc kỳ tài của văn học Trung Quốc hiện đại."

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 7.

Ngày 8/9/1995, người chủ nhà của Trương Ái Linh phát hiện ra bà đã chết ở trong căn hộ trên đại lộ Rochester ở Westwood, California. 

Theo những giám định cho biết, Trương Ái Linh đã qua đời trước đó vài ngày và nguyên nhân cái chết là do bệnh tim mạch. 

Việc Trương Ái Linh đột ngột phát bệnh và qua đời không ai biết, chứng tỏ trong những ngày cuối đời bà sống trong cô độc và sự xa lánh. Theo tâm nguyện của Trương Ái Linh, xác của bà đã được đem đi hỏa thiêu và tro được rắc xuống Thái Bình Dương.

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà đứng sau tác phẩm Sắc Giới - Ảnh 8.

The New Yorker từng nói về Trương Ái Linh: "Một bậc thầy về truyện ngắn... Thế giới của Trương Ái Linh là một nơi chốn khắc nghiệt và u uẩn nơi con người đấu tranh để tìm thấy lối trong tình yêu nhưng thường thất bại dưới áp lực gia đình, truyền thống và tập tục." 

Những câu chuyện của Trương Ái Linh chân thực đến kỳ lạ, dường như người ta có thể cảm nhận sự tương đồng với cuộc sống đầy những bi kịch của bà. 

Bà cũng giống như những người phụ nữ trong truyện của mình, họ đều xinh đẹp và tài giỏi nhưng cuộc đời lại nhiều trắc trở và sóng gió. 

Khi còn sống bà đã không có được những chuỗi ngày hạnh phúc giản dị như ước muốn của bản thân thì có lẽ sau khi qua đời, bà đã có thể sống vui vẻ ở một thế giới khác…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại