Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng "burn out" liên tục

Đông |

Nhiều bạn trẻ dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có cơ hội làm việc tại BIG3 tư vấn hàng đầu thế giới.

BIG3 hay MBB là một thuật ngữ dùng để chỉ 3 công ty tư vấn chiến lược quản trị lớn nhất thế giới là McKinsey & Company, Boston Consulting Group và Bain & Company. Đây là 3 công ty danh giá và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tư vấn quản trị. Ba công ty trên cũng có doanh thu lớn nhất trong số các công ty tư vấn quản trị tính đến năm 2021.

Đây quả thực là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ trong hành trình chinh phục vào những tập đoàn đa quốc gia trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, để vào được BIG3 chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng nhiều người trẻ Việt đã thành công chinh phục MBB, thậm chí ngay từ khi còn là sinh viên.

Trải qua những vòng thi nào để vào BIG3 tư vấn?

1. Bùi Thị Minh Như (20 tuổi): Thực tập sinh tại Bain & Company

Bùi Thị Minh Như (SN 2003, TP.HCM) hiện đang theo học song ngành Tài chính và Phân tích kinh doanh tại Đại học Texax Christian (Mỹ). Cách đây không lâu, cô đã nhận được lời mời thực tập tại Bain & Company.

Thật ra, hành trình ôn luyện để vào Bain & Company của Minh Như bắt đầu khá trễ vì cô chưa bao giờ nghĩ bản thân có thể làm được điều "không tưởng" này. Vậy nên, khi nhận được thư phỏng vấn, nữ sinh mới "ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa". Vượt qua vòng hồ sơ, nữ sinh Việt được tham quan văn phòng công ty trong 2 ngày. Sau đó, Minh Như có 30 ngày cấp tốc ôn luyện các dạng đề thi từ công ty để tranh suất thực tập.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 1.

Bùi Thị Minh Như là thực tập sinh tại Bain & Company

Một tháng sau, cô bước vào hai vòng phỏng vấn với các chủ đề chuyên biệt và mô hình kinh doanh. Trong quá trình phỏng vấn, bên cạnh kiến thức chuyên môn, Như cũng chia sẻ thêm về những trải nghiệm tình nguyện cũng như các vị trí từng lãnh đạo tại các tổ chức cộng đồng. Chính điều này giúp cô "ăn điểm" với hội đồng. Hai ngày sau, nữ sinh Việt nhận được thư mời làm việc.

2. Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến (22 tuổi) - Nhân viên tại McKinsey & Co.

Nhật Tiến (SN 2001, TP.HCM) là sinh viên song ngành là Khoa học máy tính và Truyền thông tại trường Đại học DePauw. Chưa hết, anh chàng còn là sinh viên trao đổi tại trường Đại học Oxford.

Biết đến McKinsey thuộc BIG3 ngay khi còn là sinh viên năm nhất đại học, nhưng đến năm 3 anh chàng mới quyết định lên "dây cót" tìm hiểu sâu hơn về McKinsey và chuẩn bị tham gia thi tuyển. Nhật Tiến đã chu đáo trong mọi thời điểm từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi nhận được lời mời phỏng vấn. Ngoài ra, Tiến còn nhờ người quen ở cả Việt Nam và Mỹ xem qua CV của bản thân để mọi người có thể góp ý và luyện phỏng vấn cho mình. Bản thân Tiến khẳng định việc thi tuyển vào McKinsey là rất áp lực. Vì ở McKinsey tỉ lệ chấp nhận chỉ có 1% nên tỉ lệ chọi rất cao.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 2.

Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến đỗ vào McKinsey & Co khi mới là sinh viên năm 3

Thi tuyển vào McKinsey, Nhật Tiến phải vượt qua 2 vòng phỏng vấn khó nhằn. Phần đầu tiên là Personal Experience (kinh nghiệm cá nhân) để ban tuyển dụng có thể hiểu hơn về con người của bạn, những trải nghiệm khó khăn, thất bại và định hướng tương lai của bản thân.

Phần thứ hai là Case Study (nghiên cứu tình huống). Tại đây, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những tình huống để mình giải quyết. Mỗi người sẽ phải đưa ra những ý tưởng để xử lý những khó khăn đó nhằm chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được tư duy của mình như thế nào.

Nhật Tiến cho rằng để thành công vượt qua vòng phỏng vấn và lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, các ứng viên cần có tâm thế thoải mái. Ngoài ra, anh chàng cũng khuyên mọi người xây dựng cho mình mạng lưới mối quan hệ tốt.

3. Lê Minh Đạo - Cựu nhân viên tại Boston Consulting Group

Anh Lê Minh Đạo (30 tuổi, TPHCM) từng là sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế tại trường Đại học Ngoại thương. Anh cũng từng có cơ hội làm việc tại hàng loạt tập đoàn sừng sỏ bậc nhất thế giới như: Microsoft, NielsenIQ... Trong đó có Boston Consulting Group.

Anh Đạo kể lại, khi ứng tuyển vào BCG, anh Đạo đã trải qua một buổi kiểm tra trực tuyến về tư duy logic cùng 6 vòng phỏng vấn cam go. Mỗi vòng phỏng vấn khá đặc biệt bởi nhà tuyển dụng đưa ra những bài tập kinh doanh khác nhau. Nhiệm vụ của ứng viên là trình bày giải pháp trước vấn đề khúc mắc.

Một số đề bài hóc búa mà anh Đạo đã thực hiện như: "Trình bày chiến lược phát triển trong 5 năm cho công ty thực phẩm", "Làm sao để có thể tái cấu trúc một công ty về năng lượng" hay "Cách đưa kỹ thuật số vào công ty truyền thống"... Mọi người cần chuẩn bị thật kỹ cho từng vòng thi.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 3.

Anh Lê Minh Đạo là cựu nhân viên tại Boston Consulting Group

Thi tuyển vào BIG3 tư vấn quả thực rất khắc nghiệt, nhưng thành quả nhận lại rất xứng đáng khi chế độ ưu đãi, lương thưởng tại đây vô cùng khủng. Tùy từng vị trí cấp bậc, mức lương nhân viên tại Bain & Company rơi vào ngưỡng: 90.000 - 230.000 đô la (hơn 2,1 tỷ đồng - 5,5 tỷ đồng); Boston Consulting Group: 90.000 - 450.000 đô la (hơn 2,1 tỷ đồng - gần 11 tỷ đồng); McKinsey & Co: 85.000 - 450.000 đô la (hơn 2 tỷ đồng - gần 11 tỷ đồng).

Đây chỉ là con số áng chừng, mức lương nhận được của các nhân viên tại BIG3 tư vấn có thể lên xuống tùy thuộc vào năng lực, thị trường, lạm phát... Dẫu vậy, có thể chắc chắn một điều là thu nhập bạn nhận được khi làm ở BIG3 là cực kỳ hấp dẫn.

Quản lý thời gian là chìa khóa thành công

Một điều chúng ta phải thừa nhận, nhiều người đỗ vào BIG3 công ty tư vấn đều còn khá trẻ, thậm chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ có vậy mà thành tích học tập trên trường của họ vẫn vô cùng "khủng". Bí quyết chính nằm ở việc cân bằng thời gian.

Trong suốt quãng thời gian học tập tại trường Đại học DePauw, Nhật Tiến đều đạt thành tích GPA 3.8 ở các học kỳ và thuộc top 5% toàn trường. Đó là điểm số mà sinh viên nào cũng mơ ước. Để đạt được thành tích ấn tượng như vậy, một trong những phương pháp mà Tiến áp dụng đó chính là kế hoạch và lập thời gian biểu.

Theo đó, cứ vào chủ nhật hàng tuần, Tiến sẽ ngồi lại và xem qua trong tuần tới sẽ có những đầu công việc nào cần phải hoàn thành. Sau đó sẽ lập kế hoạch chi tiết cho từng nhiệm vụ đó. Trong tuần, hàng ngày trước khi đi ngủ anh chàng cũng xem hết các đầu việc cho ngày mai và sắp xếp chúng vào các khung giờ. Từ đó, sẽ không cảm thấy lạc lối trên hành trình đạt tới mục tiêu của bản thân. Vậy nên, Nhật Tiến vừa có thành tích học tập tốt, lại vừa có thể đi thực tập ở các công ty hàng đầu thế giới.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 4.

Tiến luôn lên kế hoạch và lập thời gian biểu để quản lý quỹ thời gian của mình thật tốt

Trước khi chinh phục được Bain & Company, Minh Như cũng từng thực tập tại nhiều công ty nổi tiếng thế giới. Kết thúc năm thứ nhất đại học, cô bạn từng làm việc tại một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (BIG4) - PwC. Mùa hè năm hai, Như là thực tập sinh công ty công nghệ Dell Technologies. Dẫu vậy, nữ sinh này tự hào vì luôn đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0.

Đương nhiên, dù có cân bằng thời gian tốt đến mấy nhưng việc vừa đi học vừa đi làm không hề đơn giản, đã có lúc cô nàng rơi vào tình trạng burn out - kiệt sức về cảm xúc, thể chất, tinh thần do căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, cũng chính giai đoạn đó giúp Như nhìn sâu vào bên trong, để hiểu hơn về chính mình. Sau đó, Như bắt đầu mở rộng mối quan hệ, tìm việc làm và học cách duy trì cảm xúc cân bằng.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 5.

Đã có lúc Minh Như rơi vào tình trạng kiệt sức

Không chỉ các bạn sinh viên vừa đi học vừa đi làm mới gặp áp lực, mà ngay kể cả những người dành chọn 100% thời gian cho công việc tại những công ty lọt top, nhiều lúc cũng rơi vào tình trạng burn out.

Anh Minh chia sẻ, đúng là thu nhập tốt, môi trường làm việc hiện đại, cơ hội phát triển rộng mở là những lợi ích anh Đạo nhận được khi gắn bó tại công ty thuộc nhóm BIG. Tuy nhiên, đi kèm với chế độ đãi ngộ là những yêu cầu công việc cực khắt khe. Anh Đạo nhiều lần rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, áp lực do phải giải quyết khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn. Thậm chí, có nhiều lúc, anh nghĩ mình sẽ từ bỏ công việc. Dẫu vậy, anh đã vượt qua tất cả.

Chuyện đi làm tại BIG3 tư vấn thế giới của người trẻ Việt: Lương có thể lên đến gần 11 tỷ, nhưng burn out liên tục - Ảnh 6.

Anh Minh nhiều lúc cũng rơi vào tình trạng burn out

Tổng hợp


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại